Đại biểu Quốc hội từng bị cảnh cáo vì tố tham nhũng

Ông Lê Như Tiến: Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi".

Ông Lê Như Tiến: Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi".

"Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi..."
Nói về hiện tượng tố cáo tiêu cực, tham nhũng nổi lên gần đây - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến chia sẻ.
 
Người thua thiệt nhất là người tố cáo
 
Ông Tiến cho rằng, trong xã hội phổ biến tâm lý "makeno" (mặc kệ nó), vô cảm, hoặc "ngậm miệng ăn tiền", tức không động đến mình thì mình cũng không động đến. Cho nên phát hiện, tố cáo tham nhũng có khi người chịu thua thiệt nhất lại là chính người tố cáo.
 
Ông Lê Như Tiến: Có những tin nhắn còn cảnh cáo 
Ông Lê Như Tiến: Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi". 
 
Nói với báo chí, ông Tiến cho hay, lâu nay, dư luận luôn hiểu những người tham nhũng thường là những người có vị trí, có chức có quyền, lắm tiền, lắm tài sản.
 
Người muốn tố cáo tham nhũng thường yếu thế, không thể chống lại một thế lực, nhóm thế lực, lợi ích có những quyền lực phong tỏa mọi tố cáo nên tâm lý không muốn tố cáo tham nhũng phổ biến trong xã hội.
 
Những vụ như "nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức" hay gần đây là ở trạm y tế Quảng Nam là không nhiều. Vì tâm lý phải lo giữ nồi cơm, manh áo của chính họ và gia đình chứ chả dại gì họ tố cáo đề nhận sự trù dập, trả thù, gây khó khăn trong cuộc sống, công việc.
 
"Đã có lúc tôi nhận được khoảng hơn 500 tin nhắn, trong đó tin nhắn đồng cảm, chia lửa, thậm chí lo lắng cho mình không ít, nhưng tin nhắn hăm dọa, cảnh cáo cũng không kém phần. Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi", ông Tiến chia sẻ.
 
Ông Tiến cho rằng, cần phải có biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Đối với người tố cáo, ngoài sự công bằng, thưởng phạt không phải thứ họ đeo đuổi. Bằng mọi giá, phải bảo vệ lấy họ, nếu những tố cáo, tiêu cực của họ chính nghĩa, đúng đắn. Song song, phải đảm bảo sự nghiêm trị của luật pháp để ý chí của những người tố cáo tiêu cực không bị bào mòn.
 
Tham nhũng lớn nằm ở cửa quan
 
Từ đầu năm tới nay mới có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Có 364 cán bộ, công chức nộp lại quả tặng với trị giá 178 triệu đồng.
 
Kết quả này khiến nhà báo Hữu Thọ không ít lần băn khoăn, ông cho rằng: "Chúng ta hay nói tới tham nhũng nhưng trong xã hội phải nhũng mới tham được. Nhưng đó chỉ là nhũng nhiễu còn tham nhũng lớn nó nằm ở chỗ khác. Phong bì hàng trăm triệu, vài trăm triệu lại là ở những cửa quan. Ở những chỗ đấu thầu, đề bạt chỗ đó mới nhiều tiền..."
 
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng phải thừa nhận, đối tượng phạm tội thường là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội lại tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi nên việc phát hiện, truy tố gặp khó khăn. 
 
Hơn nữa, trong quá trình điều tra còn nhiều bất cập, sai sót. Việc tự phát hiện tham nhũng rất yếu, đa phần do báo chí và dư luận xã hội. Trong khi đó, việc xử lý hành vi tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ.
 

Nguồn tin: baodatviet.vn