Hậu quả của việc làm đẹp bằng dao kéo không phải là nhỏ, những biến chứng như nghẽn mạch máu, thiếu cân bằng huyết dịch, nhiễm trùng, đau tim, sốc… là hoàn toàn có thể xảy ra.
Từ những phẫu thuật đơn giản như cắt mí mắt, xăm lông mày, nhiều người đã không còn nhận ra mình sau những cuộc trùng tu nhan sắc (Ảnh minh họa)
Muốn đẹp hơn nữa
Sau nửa ngày thực mục sở thị tại một thẩm mỹ viện có tiếng ở quận Hai Bà Trưng, tôi không khỏi giật mình khi thấy hàng chục cô gái với tuổi đời còn rất trẻ tìm đến đây để chỉnh sửa mắt, mũi, ngực,… Chẳng biết chủ thẩm mỹ viện này đã được đào tạo về chuyên ngành y hay chưa nhưng khi tôi hỏi về bất cứ loại phẫu thuật nào chị cũng nói vanh vách. Theo chủ thẩm mỹ viện, phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) đơn giản nhất hiện nay là nhấn mí mắt, biến mắt một mí thành 2 mí, không đau đớn, không sưng, chỉ 3 ngày là có một đôi mắt 2 mí đẹp long lanh với giá 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ mới trong PTTM nâng mũi còn khiến cho khách hàng sở hữu một chiếc mũi thanh tú, sống mũi không bị bóng, đỏ, không bị lệch, giá từ 8-10 triệu đồng. Và như lời quảng cáo của chủ thẩm mỹ viện này thì vịt xấu xí khi đã đặt chân đến đây đều có thể trở thành thiên nga.
Trong lúc ngồi chờ khám, N.T.H, 19 tuổi có làn da trắng như sứ, đôi mắt to và chiếc mũi thanh tú tâm sự: “Em phải giấu bố mẹ việc mình đi PTTM. Gia đình em không thuộc diện khá giả nhưng vì được bạn trai lo toàn bộ chi phí nên em chẳng tội gì mà không làm để được đẹp hơn…”. Cũng theo lời H, vẻ đẹp hiện tại của cô hoàn toàn là nhờ PTTM dù trước đó nhan sắc của H không đến nỗi nào. Thoáng nhìn qua, tôi thấy đôi mắt của H khá to, chiếc mũi cao và làn da trắng. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ, các nét trên khuôn mặt của H, tôi thấy chúng không được tự nhiên và phù hợp với khuôn mặt tròn mang dáng dấp của người châu Á. Khi được hỏi tại sao khuôn mặt đã đẹp rồi mà H vẫn còn muốn chỉnh sửa thì cô thản nhiên: “Em còn muốn gọt cằm để cho khuôn mặt hài hoà với chiếc mũi và khuôn mặt. Biến chứng hay thất bại trong PTTM thì cũng còn tùy vào cơ địa. Còn trẻ thì phải lo làm đẹp, để đến lúc già mới đi “sửa sang” thì ai ngắm nữa”.
Hiện nay những biện pháp cải thiện sắc đẹp mà các trung tâm PTTM đang áp dụng có rất nhiều dạng, nhẹ nhất là nhấn, cắt mí mắt, xăm môi, sửa mũi, nâng cung mày, đến những cuộc phẫu thuật phức tạp hơn như gọt cằm, sửa lại hình dáng toàn bộ khuôn mặt, nâng ngực, bóc hút mỡ, kéo dài chân…Điều đáng nói là ngày càng có nhiều bạn trẻ coi PTTM là chuyện thường ngày, cũng bởi lẽ đó các quảng cáo làm đẹp nhờ dao kéo xuất hiện ở mọi nơi. Theo nhiều chuyên gia, hiện tượng này xuất phát từ những hình ảnh người mẫu, diễn viên, những người mà công chúng dành sự quan tâm đặc biệt,…xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với hình ảnh xinh đẹp, hoàn hảo đã khiến không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ tìm mọi cách để khiến mình được giống như thần tượng.
Biến chứng, hậu quả khôn lường
Tôi đã có dịp trò chuyện với V.T.V, 23 tuổi, nhân viên một công ty quảng cáo. Mặc dù trước đó V rất ưa nhìn và duyên dáng, song cô chưa bao giờ hài lòng về vẻ bề ngoài của mình. Chính vì vậy, V đã tìm đến một trung tâm PTTM để nâng mũi. Tuy nhiên, sau khi nâng mũi, sống mũi bị độn lên, kéo căng phần da ở đuôi mắt nên khiến cho mắt của V trở nên nhỏ và sắc hơn. Sau 4 tháng, V tặc lưỡi đi cắt mí và mở rộng góc mắt. Từ chỗ sợ bị dao kéo, V thích được PTTM. Đi đâu gặp ai ca thán về khuyết điểm trên cơ thể, V đều khuyên họ đi PTTM, bởi cô thấy PTTM như một phép màu kỳ diệu giúp nàng Lọ Lem trở thành công chúa kiều diễm. Và sau nhiều cuộc PTTM, V đã quyết định đi độn cằm. Sau nhiều ngày đau đớn, V choáng váng và sốc khi thấy khuôn mặt mình trong gương, với cái cằm dài ngoẵng và to hơn hẳn so với khuôn mặt, chẳng khác nào người chuyển giới. “Em rất ân hận và muốn được quay trở lại vẻ đáng yêu duyên dáng của mình ngày xưa nhưng đã quá muộn…”- V buồn bã.
Dù không có con số thống kê cụ thể nhưng có đến 80% những người thực hiện phẫu thuật, dù tiểu phẫu hay đại phẫu, đều phải chịu những hậu quả, biến chứng sau đó, buộc họ phải làm quen với cuộc sống bên cạnh những loại thuốc, hormone và những ca phẫu thuật giải quyết hậu quả để lại. Theo TS-BS Trần Thị Thu Hà- Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội thì mặt trái dễ nhận thấy của những ca phẫu thuật là các vết sẹo và sự đau đớn. Không một loại thuốc tê hay một bác sĩ giỏi nào có thể giúp bệnh nhân loại bỏ hoàn toàn điều này. Với những ca phẫu thuật cằm hoặc tạo hình toàn thân, bệnh nhân sẽ cần từ 2 – 6 tháng để bớt dần cảm giác đau và sau đó mới là giai đoạn phục hồi. Điều đáng nói, không ai có thể đảm bảo sau khi phẫu thuật, nhan sắc nhân tạo sẽ đẹp như mong muốn, hoặc luôn đẹp cùng thời gian. Trong và sau quá trình phẫu thuật, những biến chứng liên hoàn như nghẽn mạch máu, thiếu cân bằng huyết dịch, nhiễm trùng, đau tim, sốc… là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, những ca phẫu thuật bóc mỡ, nâng ngực, làm trắng da, căng da mặt, chỉnh hình sẽ làm tổn thương đến các mạch máu, gan, thận, các cơ, gây ung thư. Những tổn thương này thường không phát sinh ngay hoặc sẽ dần dần xuất hiện sau quá trình phẫu thuật…
Cũng theo TS-BS Trần Thị Thu Hà, những người thực hiện các ca PTTM thường có tâm lý tự ti về ngoại hình, nhưng không phải lúc nào sự tiêu cực này cũng có thể giải quyết bằng cách thay đổi ngoại hình. Khi “đầu ra” của một cuộc phẫu thuật không như mong muốn, những tổn hại về tâm lý sẽ xảy ra. Cho dù thành công, người trải qua phẫu thuật cũng sẽ tiếp tục đối diện với những áp lực như lo lắng về sức khỏe, về hậu phẫu, về việc phải chăm sóc sức khỏe và nhan sắc để đảm bảo hiệu quả sau phẫu thuật, thậm chí che giấu nhan sắc dao kéo của mình… Những lo lắng thường xuyên và liên tục dần dần có thể dẫn đến trầm cảm và các bệnh chứng tâm lý.
Ý kiến bạn đọc