Trước những tố cáo sai phạm liên quan đến trách nhiệm của cá nhân ông Trần Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (SPKT Hưng Yên), Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc làm rõ.
Theo Kết luận thanh tra số 639/KL-BGDĐT ngày 20/7/2012, hàng loạt sai phạm trong hoạt động tuyển sinh, thu chi tài chính và bổ nhiệm cán bộ đã bị Đoàn Thanh tra của Bộ GD&ĐT “điểm mặt, chỉ tên”. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật đối với các cá nhân, Hiệu trưởng để xảy ra những sai phạm nói trên chỉ nhẹ như “phủi bụi”!
Vơ vét sinh viên, mở lớp đào tạo chui Trong công tác tuyển sinh các năm 2010, 2011, Hội đồng Tuyển sinh nhà trường đã cố ý làm sai quy định tuyển sinh ngành Kế toán và Quản trị doanh nghiệp với 2 loại điểm trúng điểm và 2 loại học phí khác nhau trong cùng một lớp học. Sinh viên trúng tuyển với điểm thấp phải đóng học phí cao hơn 90.000 đồng/tháng.
Lý giải cho việc làm sai trái này, Hiệu trưởng Trần Trung cho rằng năm 2011, thí sinh đăng ký vào trường tập trung chủ yếu ở 2 ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh. Với điểm chuẩn là 14 điểm thì không đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh cho cả Trường và Khoa Kinh tế. Nhưng nếu lấy điểm chuẩn là 13 thì sẽ dẫn đến vượt quá chỉ tiêu. Vì vậy, nhà trường đã tạo cơ hội cho chí sinh có điểm chuẩn 13, nếu đóng góp thêm 90.000 đồng/tháng học phí thì sẽ được nhập học!
Liên quan đến vấn đề này, Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu rõ: Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 33 Quy chế tuyển sinh năm 2010, 2011: “Các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: Điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, đảm bảo tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định”.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa có văn bản nào quy định về việc các trường ĐH được phép tuyển hệ “ngoài ngân sách” thu thêm học phí vì vậy việc Trường ĐHSPKT Hưng Yên công khai tuyển sinh hệ “ngoài ngân sách”, thu thêm học phí 90.000 đồng/tháng (năm 2010) và 105.000 đồng/tháng (năm 2011) đối với ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh khi chưa có văn bản đồng ý của Bộ GD&ĐT là sai quy định.
Kiểm toán Nhà nước “tuýt còi”, Hiệu trưởng phớt lờ?
Ngoài ra, khi vào học tại trường, sinh viên phải “è cổ” nộp vô số các khoản thu bất hợp lý khác do nhà trường tự lập ra như: Tiền giấy thi, giấy nháp với mức 50.000 đồng/sinh viên; tiền học lại, thi lại; tiến phôi bằng 40.000 đồng/sinh viên; tiền chứng chỉ các chuẩn đầu ra, học cải thiện, tiền kiểm tra đầu vào, thi chuẩn đầu ra…
Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến 2011, Trường đã thu gần 11 tỷ 500 triệu đồng cho việc học lại, thi lại, học cải thiện điểm của sinh viên. Và trên 500 triệu đồng trong số thu khổng lồ từ mồ hôi, nước mắt của các bậc phụ huynh có con em đang theo học tại ngôi trường này được trích chi cho Ban Giám hiệu cùng một số trưởng khoa, phòng!
Một phiếu chi thể hiện phong cách "chơi đẹp" của Ban Giám hiệu trường ĐHSPKY Hưng Yên. Ảnh: Đức Tôn
Việc thu tiền hết sức tùy tiện của Ban Giám hiệu đã bị Đoàn Thanh tra lật tẩy, làm rõ. Thậm chí, trước đó vào năm 2010, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị nhà trường phải chấm dứt ngay các khoản thu tùy tiện không có trong quy định. Song trên thực tế, Ban Giám hiệu, trực tiếp là Hiệu trưởng Trần Trung, người chịu trách chính đã cố tình phớt lờ, không thực hiện khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng lợi ích cá nhân nhận được từ các khoản thu tùy tiện từ sinh viên là quá lớn nên không một ai nỡ dừng bỏ?
Việc sinh viên phải chịu mức học phí cao ngất ngưởng trong những lớp học “chui” núp dưới cái tên mỹ miều: Lớp công nghệ thông tin “Dịch vụ chất lượng cao” đã được Hiệu trưởng Trần Trung “bật đèn xanh”.
Ngày 6/6/2011, Hiệu trưởng Trần Trung ký Quyết định số 392/QĐ-ĐHSPKTHY về việc qui định mức học phí năm học 2011 - 2012, qui định mức thu học phí đối với ĐH chính quy là 395.000 đồng/tháng. Nhưng lớp Công nghệ thông tin thu 1.500.000 đồng/1tháng và lớp Quản trị kinh doanh thu học phí 2.425.000 đồng/5 tháng như vậy là vượt trần quy định. Qua kiểm tra xác minh, thanh tra Bộ GD&ĐT cũng làm rõ lớp đào tạo lớp kỹ sư “Dịch vụ chất lượng cao” khóa 2011 - 2015 với 17 sinh viên là lớp học “chui” do Trường chưa xin phép Bộ GD&ĐT.
Bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ đều có “vấn đề”
Theo nội dung tố cáo, những năm qua ông Trần Trung đã ban hành nhiều văn bản trái với quy định của Chính phủ, của ngành, đi ngược lại sự phát triển xã hội như: Bổ nhiệm cán bộ trái với Điều lệ trường ĐH. Theo Điều lệ trường ĐH (Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ) thì giúp việc cho trưởng khoa có không quá 2 phó trưởng khoa.
Nhiệm kỳ của trưởng khoa là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại, nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nhiệm kỳ của phó trưởng khoa theo nhiệm kỳ của trưởng khoa và có thể được bổ nhiệm lại.Ngoài ra, theo khoản 5 của Điều lệ này thì “độ tuổi khi bổ nhiệm trưởng khoa, phó trưởng khoa trong các trường ĐH công lập không quá 55 đối với nam và không quá 50 đối với nữ.
Quy định của pháp luật rõ ràng như thế nhưng Hiệu trường Trần Trung ký bổ nhiệm các chức danh chủ chốt chỉ có nhiệm kỳ 2 năm. Hơn nữa, dù là trường công lập, nhưng Hiệu trường này tự ý ký quyết định bổ nhiệm cho những người nghỉ hưu ở các trường khác giữ các chức danh chủ chốt như phó trưởng khoa, phụ trách khoa, trưởng bộ môn.
Việc Hiệu trưởng Trần Trung sử dụng xe công chưa đúng quy định đã bị thanh tra "nhắc nhở". Ảnh: Đức Tôn
Qua quá trình xác minh, Thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định nội dung tố cáo trên là đúng. Việc ông Trần Trung bổ nhiệm 21 cán bộ lãnh đạo trường, phó khoa và trưởng, phó giám đốc trung tâm với nhiệm kỳ 2 năm là không đúng với quy định là một nhiệm kỳ 5 năm. Ngoài ra, Hiệu trưởng Trần Trung bổ nhiệm 3 lãnh đạo cấp trưởng khoa và giám đốc trung tâm quá tuổi là sai quy định, thậm chí cả việc ông Hiệu trưởng này “nhắm mắt làm ngơ” bổ nhiệm những người đã nghỉ hưu giữ chức vụ lãnh đạo khoa.
Năm 2011, Trường ĐHSPKT Hưng Yên đăng thông báo tuyển dụng chuyên viên tiêu chuẩn tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, nhưng trên thực tế nhà trường đã tuyển 10 chuyên viên đều không có đủ tiêu chuẩn này.
Để xảy ra các sai phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về Hiệu trưởng Trần Trung - người đại diện theo pháp luật của nhà trường; chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật. Đoàn Thanh tra kiến nghị lãnh đạo Bộ GD&ĐT giao Vụ Tổ chức cán bộ xử lý trách nhiệm đối với vị Hiệu trường để xảy ra tai tiếng này cùng các cá nhân, tổ chức có liên quan đến sai phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế việc kỷ luật đối với các cá nhân, Hiệu trưởng để xảy ra những sai phạm nói trên chỉ làm cho có, nhẹ nhàng như “gió thoảng qua”! Thậm chí, Hiệu trưởng Trần Trung còn được tái bổ nhiệm, khen thưởng và tiếp tục bị tố có những sai phạm chồng chất khác.
Ý kiến bạn đọc