Bức tranh kinh tế tháng 4 nhiều điểm sáng
Sản xuất công nghiệp đang dần ổn định và có chiều hướng phát triển tích cực với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%, cao hơn mức tăng 4,8% của cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá ở mức 7,4%, cao hơn nhiều mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2013; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,6%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 2%, làm giảm 0,44 điểm phần trăm của mức tăng chung.
Sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục duy trì được tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước: thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%; Đồng Nai tăng 7,4%; Bình Dương tăng 7,5%; Hà Nội tăng 3,8%; Hải Phòng tăng 11,7%; Bắc Ninh tăng 7,3%; Vĩnh Phúc tăng 0,2%; Cần Thơ tăng 5%; Hải Dương tăng 6%; Đà Nẵng tăng 10,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,6%; Quảng Nam tăng 9,9%...
Cùng với sản xuất công nghiệp tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2014 được đánh giá có nhiều tiến triển tốt. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 ước tính đạt 12,2 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 45,7 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 30,3 tỷ USD, tăng 17,2%.
Bên cạnh đó, do giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và nhiều mặt hàng trên thị trường có chương trình khuyến mãi, giảm giá đã kích thích tiêu dùng trong tháng của người dân. Bên cạnh đó, tháng 4 có nhiều ngày lễ lớn nên dự kiến nhu cầu mua sắm và hoạt động dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí sẽ sôi động hơn. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 238,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 939,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 5,5%, cao hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm 2013). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7%, tăng cao nhất với mức 26,9% do thế mạnh về cạnh tranh mặt bằng, tiện ích bán lẻ và cung cấp dịch vụ.
Với những tiến triển kinh tế của nhiều ngành nghề nên công tác thu chi ngân sách cũng có nhiều khả quan so với cùng thời điểm năm trước. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 78.260 tỷ đồng, bằng 10% dự toán. Lũy kế thu 4 tháng đầu năm ước đạt 288.800 tỷ đồng, bằng 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng chú ý, mặc dù trong bối cảnh giá xăng dầu trong tháng được điều chỉnh tăng, có thể thấy chỉ giá tiêu dùng tháng 4 là tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2014 tăng nhẹ ở mức 0,08% so với tháng trước, phù hợp với quy luật tiêu dùng cùng kỳ của một số năm trước. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15% (Lương thực giảm 0,26%; thực phẩm tăng 0,27%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,26%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,23%; giao thông tăng 0,33%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: Giáo dục tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,56%; bưu chính viễn thông giảm 0,14%.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, nhiều thành viên Chính phủ đề nghị đi liền với duy trì và tăng cường tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô cần tiếp tục tập trung cao độ cho tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp pháp quản lý giá cả, thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa; tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro. Cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn nhiều khó khăn; chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều dịch bệnh; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra từ đầu năm; chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết liệt, bao quát, sâu sát, kịp thời, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014.
Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể, trước hết là phải tập trung tăng tổng cầu, quyết liệt chỉ đạo tăng tổng cầu bằng 2 kênh chính, thứ nhất là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI, ODA, vốn đối ứng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, các công trình trọng điểm... Bảo đảm việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đúng mục đích, hiệu quả và theo đúng quy định.
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc