Tình trạng bôi trơn của DN sẽ giảm nhiều khi môi trường pháp luật về kinh doanh trở nên thuận lợi và minh bạch. Ảnh minh họa: HTD
Trở thành phản xạ có điều kiện . PV:Tham nhũng xảy ra là do sự chủ động của DN đưa hối lộ cho cán bộ công quyền hay do chính cơ chế buộc DN phải “ngầm hiểu” như thế để được việc của mình, thưa ông? + PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TP.HCM: Theo tôi, tham nhũng xảy ra không phải do sự chủ động của DN đưa hối lộ cho cán bộ công quyền mà do chính cơ chế. Căn nguyên của tham nhũng xuất phát từ công quyền và lạm dụng công quyền để tư lợi, phải có ích lợi nhất định nào đó cho cá nhân vi phạm nguyên tắc công minh mới có tham nhũng. Tham nhũng ở nước ta đã có mặt sâu rộng trong các giao dịch của xã hội và nó được sử dụng như một phương tiện để đạt các mục đích. Tham nhũng đang có nguy cơ trở thành văn hóa trong giao tiếp của người dân và DN với cơ quan nhà nước. Muốn được việc, mất ít hưởng nhiều, chỉ cần hối lộ quan chức. Từ đó mà việc bôi trơn, đút lót dần trở thành phản xạ có điều kiện của DN khi đến làm việc với cơ quan nhà nước. . Những hệ lụy của “phản xạ có điều kiện” ấy là gì? + Tham nhũng sẽ làm tăng tính chất bất ổn định đối với các DN. Các DN đưa ra những quyết định của họ trên cơ sở tính toán hiệu quả đầu tư, vì tham nhũng làm giảm hiệu quả đầu tư nên các DN vừa và nhỏ không phát triển được. Trong trường hợp có khả năng kiếm lời cao nhất từ tham nhũng thì các DN thay vì chú trọng tới các hoạt động sản xuất, tạo ra của cải vật chất sẽ tập trung vào tham nhũng, các hoạt động phân phối lại thu nhập và dồn tài năng của họ vào những việc như vậy. Người ta sẽ tìm ra các biện pháp tham nhũng mới chứ không phải các sản phẩm mới và phương pháp sản xuất mới. . Vậy cần phải có giải pháp gì để DN thoát khỏi tệ “đi cửa sau”, “bôi trơn” để được việc? + Chế độ pháp trị nghiêm minh là một trong những thành tố của một chiến lược chống tham nhũng có hiệu quả. Một trong những nhân tố quan trọng trong việc tăng cường pháp trị là ban hành những quy định đơn giản, rõ ràng và minh bạch để tất cả các bên hữu quan đều có thể hiểu được. Đồng thời, cần có chế độ lương thích hợp thúc đẩy công chức không chấp nhận hối lộ và có biện pháp trừng phạt, bắt giữ khi vi phạm về tham nhũng. MINH CƯỜNG Giải quyết vướng mắc bằng phong bì và quan hệ Trong khảo sát mới đây của Thanh tra Chính phủ với Ngân hàng Thế giới, trước câu hỏi “DN hành động gì khi gặp vướng mắc với cơ quan nhà nước” thì 51% trả lời là dùng mối quan hệ để tác động – kèm theo đó là phong bì, 59% DN trả lời đưa tiền, quà để giải quyết cho được việc. Chỉ có 13% DN phản ánh với cơ quan chức năng và 6% phản ánh với cơ quan báo chí. Trả lời câu hỏi “tại sao DN đưa hối lộ”, 32% DN cho rằng cần giải quyết công việc nhanh, hiệu quả; 26% DN nói chi phí “mua” quan chức rẻ hơn so với lợi ích mang về; đáng chú ý đến 68% DN cho rằng không có hối lộ thì sẽ hỏng việc. Với câu hỏi “CBCC có ép buộc DN đưa hối lộ hay DN chủ động”, 70% DN cho biết họ chủ động. |
khảo sát, mới đây, ngân hàng, thế giới, thanh tra, doanh nghiệp, cho biết, hối lộ, cán bộ, tại sao
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc