Tham nhũng: Vấn đề đầy thách thức
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nhấn mạnh đây là hội nghị hết sức quan trọng, sẽ đánh giá, tổng kết toàn diện về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, từ đó, đóng góp các ý kiến, các tham luận về phương hướng, nhiệm vụ công tác nhằm tạo quyết tâm cao, làm chuyển biến tình hình phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
2013 là năm toàn Đảng tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong đó, có nội dung quan trọng là phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả khích lệ, phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp. Tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.
Theo Thượng tá, TS. Đỗ Anh Tuấn (Văn phòng Bộ Công an), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những tàn dư lạc hậu, lỗi thời của thời kỳ phong kiến và bao cấp vẫn còn tồn tại nặng nề với quan điểm, lối sống cổ hủ, quan liêu, ỷ lại của một bộ phận không nhỏ cán bộ nhà nước, đã làm trì trệ sự phát triển đất nước. Chính những quan điểm công tư lẫn lộn, xử lý công việc còn trọng tình hơn lý, ngại đấu tranh với sai trái đã làm tiêu cực phát sinh và tham nhũng phát triển. Sự chuyển dịch hình thái kinh tế đã tạo ra sự năng động phát triển kinh tế đất nước; tuy nhiên, nền kinh tế thị trường của chúng ta còn sơ khai, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện. Đây là điều kiện để chủ nghĩa cá nhân phát triển, kích thích tâm lý hưởng thụ, làm giàu bằng mọi giá, kể cả vi phạm pháp luật.
Hiện nay, hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, quan liêu, nặng nề; quá trình cải cách hành chính chậm chạp, còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính rườm rà và là điều kiện để nhiều cán bộ gây sách nhiễu và tham nhũng. Công tác quản lý tài sản công chưa tốt.
Thực tế cho thấy, nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế có nguồn vốn sở hữu nhà nước quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, vụ lợi cá nhân... dẫn đến sử dụng vốn trái phép, chiếm dụng vốn, tham ô, gây thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Thực hiện cổ phần hóa là một tất yếu để đẩy nhanh, mạnh quá trình phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên nếu không có cơ chế minh bạch đánh giá chính xác về nội dung hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thẩm định, đánh giá tài sản của doanh nghiệp thì dễ làm nảy sinh tham nhũng. Cơ chế pháp lý và điều kiện bảo đảm thực thi chống tham nhũng chưa được bảo đảm. Mặc dù trong những năm qua, pháp luật của chúng ta đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều đạo luật liên quan đến đấu tranh chống tham nhũng đã ban hành, tuy nhiên chưa đầy đủ, rõ ràng và đặc biệt thiếu quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng nên chưa hiệu quả trên thực tiễn.
Chống tham nhũng: Cần phải đồng bộ
Thượng tá, TS. Đỗ Anh Tuấn đề nghị, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, cần đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong toàn Đảng, toàn dân; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện những sai phạm về tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức và các doanh nghiệp để kịp thời đấu tranh; khuyến khích sự tham gia của nhân dân với công tác phòng chống tham nhũng, kịp thời có những phần thưởng xứng đáng và có biện pháp bảo vệ để khuyến khích nhân dân tham gia đấu tranh với tội phạm này. Cần tăng cường và làm tốt công tác tiếp nhận - xử lý tin báo về tham nhũng từ quần chúng nhân dân và các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính quyền; xử lý nghiêm đối với các đối tượng tham nhũng, tránh tình trạng điều chuyển công tác hay bổ nhiệm chức vụ đối với những cán bộ nghi vấn tham nhũng. Cần áp dụng bản án nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng, tránh tình trạng bao che, áp dụng khung hình phạt nhẹ vừa làm mất tính răn đe, vừa làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; phối hợp tốt giữa cơ quan chức năng trong trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng.
Theo ThS. Phạm Thị Phượng (Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính Phủ) thì: Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Việc quy định về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
hà nội, hội nghị, toàn quốc, công tác, tham nhũng, tổ chức, sự chủ, tổng bí thư
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc