Quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật
Điều 2 Luật ban hành VBQPPL quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta gồm: 1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; 2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; 3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; 4. Nghị định của Chính phủ; 5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; 7.Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; 10. Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội; 11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
Cuối năm 2013 Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 (Luật năm 2008) và Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 (Luật năm 2004) nhằm đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, xác định tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc thi hành 02 Luật; qua đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng Luật ban hành VBQPPL trên cơ sở hợp nhất hai Luật.
Với hệ thống văn bản QPPL nêu trên, người dân và cộng đồng doanh nghiệp như lạc vào “một rừng văn bản”. Vì vậy, đã đến lúc nghiên cứu, cân nhắc rút ngắn lại danh mục các văn bản QPPL. Tất nhiên, việc rút ngắn danh mục các văn bản QPPL phải có lộ trình, phù hợp với sự ổn định tương đối của nền kinh tế. Trước mắt, có thể nghiên cứu để bỏ các thông tư hướng dẫn của các Bộ và cơ quan ngang bộ. Đó chỉ là các văn bản hành chính, phục vụ điều hành công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ và không thể có nội dung quy phạm pháp luật.
Tính minh bạch bị “bỏ quên”
Điều 3 Luật ban hành VBQPPL quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó khoản 1 quy định: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và khoản 4, Điều 3 quy định: “Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật”.
Như vậy, tính minh bạch – một thuộc tính có vị trí đặc biệt quan trọng đối với văn bản QPPL – đã bị “bỏ quên”. Nước ta đã là thành viên của WTO, trong khi đó, một trong những nguyên tắc nền tảng quan trọng của WTO là đảm bảo sự minh bạch. Vì vậy, tình trạng “bỏ quên” tính minh bạch trong các nguyên tắc xây dựng văn bản QPPL là một khiếm khuyết lớn. Do khiếm khuyết này, không ít văn bản QPPL đã không bảo đảm tính minh bạch, tác động của văn bản tới đối tượng thực hiện đã không được xét đến hoặc chỉ xét đến về hình thức. Ví dụ, sự thiếu rõ ràng, thiếu nhất quán về khái niệm “Nhà đầu tư nước ngoài” giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tồn tại trong một thời gian dài, dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, nguyên tắc “Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” cũng bị vi phạm. Cũng do thiếu minh bạch nên tính khả thi cũng không được tôn trọng. Thực tế cho thấy, không ít quy định trong các Thông tư hướng dẫn do các Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành đã phải sửa đổi ngay khi “chữ ký chưa ráo mực” do thiếu tính khả thi, chẳng hạn quy định về cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng; quy định về bán thịt tươi không được để quá 8 giờ; quy định “Phụ nữ ngực lép không được đi xe máy” và quy định về kiểm tra chất lượng hàng hoá trước khi thông quan tại cảng của Bộ Tài chính, v.v…
Quy trình xây dựng VBQPPL rườm rà, không hợp lý
Quá trình vận động chính sách là quá trình gồm 2 chiều: Từ các tổ chức xã hội và từ các nhà lập chính sách. Tôi cho rằng Quốc hội cần sớm thông qua những đạo luật quan trọng như Luật Trưng cầu ý dân (Hội Luật gia VN đang chủ trì soạn thảo), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)… Theo đó, quy định cơ chế cụ thể để việc lấy ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội thực sự có hiệu quả với những hình thức và phương pháp thực hiện khoa học; phạm vi và hình thức tham gia tương xứng và phù hợp với vai trò, chức năng của mỗi tổ chức, với chủ trương thực hiện xã hội hoá hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, tránh tình trạng nhiều dự án, dự thảo chính sách, pháp luật sau khi được đưa ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thảo luận thì mới nhận được phản ứng từ phía dư luận xã hội. Đồng thời trong các đạo luật đó cần quy định rõ cơ chế phản hồi, tiếp thu; theo đó khi nhận được thông tin góp ý xây dựng chính sách, pháp luật thì cơ quan chủ trì soạn thảo bắt buộc phải có sự phản hồi đã tiếp nhận thông tin và xử lý như thế nào dù ý kiến đó được chấp thuận hay không. (Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)
Luật ban hành VBQPPL quy định khá chi tiết về trình tự của việc lập chương trình xây dựng văn bản QPPL; soạn thảo; thẩm định; thẩm tra các văn bản QPPL trước khi thông qua. Đó là quy trình cần thiết xét về thủ tục hành chính. Song, để thực hiện quy trình đó mất rất nhiều thời gian và cũng tốn kém không ít chi phí từ ngân sách nhà nước. Khâu soạn dự thảo các văn bản QPPL có vị trí quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với việc đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống văn bản QPPL. Khoản 1 Điều 31 Luật ban hành VBQPPL quy định về thành phần Ban soạn thảo như sau: “Ban soạn thảo gồm Trưởng ban là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Đối với Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình thì thành phần Ban soạn thảo còn có các thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Ban soạn thảo phải có ít nhất là chín người”.
Với quy định Trưởng Ban soạn thảo “là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo”, trong hầu hết các trường hợp, đó là Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách lĩnh vực mà văn bản QPPL điều chỉnh. Như vậy, việc “làm luật” từ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội đã tự động chuyển sang cho cơ quan hành pháp.Tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã được hợp thức hoá. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng nhiều văn bản QPPL chỉ có tác dụng nâng cao quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước, không xét đến hoặc xét đến với mức độ rất mờ nhạt, chung chung về quyền của đối tượng thi hành.
Việc soạn dự thảo Luật được tách thành hai bước, bước 1 thuộc các Bộ, cơ quan ngang bộ và bước hai thuộc các Uỷ ban của Quốc hội phục vụ cho công tác thẩm tra. Vì vậy, phần lớn các trường hợp, các cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo cũng được tổ chức hai lần với nội dung như nhau, người tham dự về cơ bản cũng như nhau. Điều đó gây lãng phí lớn về thời gian, công sức của những người tham dự hội thảo và ngân sách nhà nước. Vì vậy, đã đến lúc cần thống nhất về một đầu mối việc soạn dự thảo Luật và lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
Lấy ý kiến góp ý cho dự thảo văn bản QPPL – chỉ làm cho đủ thủ tục
Một trong những cam kết quan trọng của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là “Ngay từ khi gia nhập, VN phải công bố dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, UB Thường vụ QH và Chính phủ ban hành để lấy ý kiến nhân dân; Thời hạn dành cho việc góp ý và sửa đổi là 60 ngày”. Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; 2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”.
Với những quy định pháp lý trên, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định và một số Thông tư hướng dẫn của các Bộ, cơ quan ngang bộ được tổ chức ngày càng nhiều. Các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cũng đã tích cực tổ chức các hội thảo, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các hội, hiệp hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo các văn bản QPPL hiện nay chủ yếu được tổ chức “cho đủ thủ tục” theo quy định. Không ít ý kiến góp ý xác đáng, hợp lý đã không được Ban soạn thảo tiếp thu và điều quan trọng hơn là, không có bất kỳ giải thích nào về việc “cám ơn nhưng không tiếp thu” như vậy. Có thể lấy một ví dụ điển hình trong việc góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Trong các hội thảo góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, phần lớn các ý kiến góp ý không tán thành việc nâng tuổi nghỉ hưu để tránh “vỡ quỹ” BHXH vì quy định đó trái với Luật Lao động năm 2012, không hợp lý, không khả thi. Song, Ban soạn thảo vẫn “kiên quyết” bảo lưu và trình Quốc hội. Trên nghị trường, nhiều vị Đại biểu Quốc hội đã không đồng tình với quy định này. Tình trạng “cám ơn, không tiếp thu” như ví dụ trên không phải là cá biệt mà đã, đang xảy ra ở nhiều dự thảo văn bản QPPL khác.
Hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật còn yếu
Hiệu lực thi hành của văn bản QPPL, chủ yếu là các Luật, còn rất yếu là vấn đề gây bức xúc đối với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nguyên nhân trước hết phải kể đến là tình trạng “luật khung, luật ống” trong các văn bản luật. Theo quy định trong hệ thống các văn bản QPPL hiện nay, để có hiệu lực trong thực tế, một số điều của Hiến pháp phải chờ Luật được ban hành; hiệu lực thực tế của Luật lại phải chờ Nghị định của Chính phủ và Nghị định của Chính phủ lại phải chờ Thông tư hướng dẫn.
Khoản 1 Điều 8 Luật ban hành VBQPPL quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay; trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp”.
Quy định nêu trên đã và đang bị vi phạm một cách phổ biến. Nhiều trường hợp, Luật đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản dưới luật như Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan lại “chưa vội ban hành”. Ví dụ, Luật quản lý nợ công có hiệu lực từ 1/1/2010, nhưng các Nghị định của Chính phủ ban hành sau ngày 1/1/2010 từ 194 ngày tới 1.208 ngày! Nếu thống kê cho đầy đủ đối với những Luật khác sẽ còn rất nhiều ví dụ tương tự.
Tình trạng hướng dẫn không đúng với quy định của văn bản Luật cũng xảy ra không ít. Báo cáo giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết ngày 30/4/2014, trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện ra 312 văn bản có dấu hiệu trái luật, trong đó 54 văn bản sai về nội dung, còn lại văn bản sai về thể thức văn bản, thẩm quyền ban hành”. Ai cũng biết về hậu quả của tình trạng chậm ban hành văn bản dưới luật và tình trạng “văn bản dưới luật trái luật”. Song, người có trách nhiệm chậm ban hành văn bản và ban hành văn bản trái luật, không đúng thẩm quyền bị xử lý như thế nào? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời trên thực tế.
Năm vấn đề nêu trên chỉ ra những hạn chế cơ bản, rất cần nghiên cứu, khắc phục để sửa đổi, bổ sung Luật ban hành VBQPPL. Đã đến lúc cần đặt ra nhiệm vụ sửa đổi toàn diện Luật Ban hành VBQPPL để có thể có được một hệ thống văn bản QPPL có chất lượng tốt, góp phần tích cực vào việc đổi mới thể chế, đưa đất nước phát triển nhanh và vững chắc hơn.
ban hành, phạm pháp, quốc hội, thông qua, hiệu lực, thi hành, tác động, tích cực, nhất định, hoàn thiện, hệ thống, tuy nhiên, tiến trình, kinh tế, quốc tế, ngày càng, toàn diện, nhân tố, yêu cầu, quản lý, quan hệ
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc