Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (trái), Viện trưởng VKSND Tối cao trong một buổi trả lời chất vấn tại Quốc hội về án tham nhũng. Ảnh: Việt Dũng
“Vận dụng pháp luật đúng”
Việc tỉ lệ các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo cao hơn các loại tội phạm khác đã làm dư luận bức xúc. Nhiều lần các đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề này ra chất vấn chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao.
Trong những lần trả lời chất vấn trước đây, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng không nên đánh giá trên con số mà phải đánh giá là bản án cho hưởng án treo có đúng quy định của pháp luật hay không. Ông Bình lý giải: “Án treo là một chế định của pháp luật cho bị cáo miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn. Theo quy định của pháp luật, người nào hội tụ đủ những điều kiện đó thì tòa phải cho hưởng án treo. Hằng năm, chúng tôi vẫn có nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành án treo và yêu cầu các tòa khi xét xử, nếu tuyên án treo thì phải gửi về TAND Tối cao để giám đốc kiểm tra. Kết quả nhận được thì các vụ án tòa cho treo đều đúng pháp luật, số vụ không đúng chỉ chiếm tỉ lệ 0,065%”.
Gần đây nhất, ngày 11-9 vừa qua, làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, TAND Tối cao tiếp tục tái khẳng định quan điểm về cơ bản, việc cho các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng hưởng án treo là có căn cứ pháp luật, chỉ có một số trường hợp “thiếu tính thuyết phục”.
Tương tự, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định với các đại biểu Quốc hội là dù tỉ lệ cho hưởng án treo với tội phạm tham nhũng cao nhưng “việc vận dụng pháp luật là đúng”...
Những điểm chưa ổn
Nhiều chuyên gia về pháp luật hình sự cho biết bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng phần lớn nguyên là cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác… Cạnh đó, họ có những tình tiết khác như nhân thân tốt, luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng. Đây là các điều kiện thuận lợi để tòa cho họ hưởng án treo theo Điều 60 BLHS và hướng dẫn trong Nghị quyết 01 ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bị cáo phạm tội về tham nhũng vốn thường “có sẵn” những tình tiết giảm nhẹ kể trên thì ngành tòa án có bắt buộc phải cho họ hưởng án treo trong trường hợp phạt họ không quá ba năm tù? Các ưu thế về nhân thân có đủ để cho họ đương nhiên được hưởng án treo?
Theo Điều 60 BLHS, chế định án treo là một chế định tùy nghi, do tòa cân nhắc, quyết định “nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù” chứ không phải bắt buộc là cứ người nào hội tụ đủ những điều kiện để hưởng án treo.
Mặt khác, tại Nghị quyết 01, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn một điều kiện bắt buộc để cho bị cáo hưởng án treo là “nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm” (điểm d Tiểu mục 6.1 Mục 6). Trong khi đó, tham nhũng ở nước ta đã và đang được xem là quốc nạn. Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Như vậy, việc cho các bị cáo phạm tội về tham nhũng hưởng án treo rõ ràng chưa đáp ứng được điều kiện “không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”!
Hiểu sai, vận dụng chưa phù hợp?
Từ góc nhìn trên, tại buổi làm việc với đại diện các cơ quan pháp luật trung ương cuối tháng 8 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã phản ứng gay gắt về việc tại sao án treo đối với án tham nhũng quá nhiều. Có những tỉnh như Ninh Bình, hai năm xử được chín bị cáo về tội tham nhũng thì tám người được hưởng án treo.
Đ?ng t?nh, ?ồng tình, ông Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nói: “Trong số án treo này, có trường hợp hành vi phạm tội rất nghiêm trọng nhưng tòa vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, kéo mức án tuyên thấp dưới khung hình phạt, làm cơ sở để cho treo. Như vậy phải giải thích như thế nào?”.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định tòa các cấp đang hiểu sai, áp dụng có lợi cho tội phạm tham nhũng. “Báo cáo của TAND Tối cao khẳng định các bản án treo đều đúng luật. Xin thưa, luật có bắt buộc tòa phải xử treo đâu? Luật yêu cầu phải cân nhắc nhiệm vụ chính trị địa phương, yêu cầu về phòng, chống tội phạm cơ mà. Nhiệm vụ ấy là gì? Cả nước phải coi tham nhũng như giặc nội xâm cơ mà!” - ông Quyền bức xúc.
|
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc