Xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý nhưng không thể trở lại “ làm chủ tập thể” như thời kỳ trước đổi mới
Sau 18 năm hình thành và phát triển, công tác trợ giúp pháp lý đã khẳng định chủ trương của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn trong việc tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý cho người dân để đạt mục tiêu tăng cường dân trí pháp lý, xóa đói, giảm nghèo về pháp luật. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã xác định: "Tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí". Trên cơ sở đó, cùng với sự hưởng ứng của người dân và những đòi hỏi từ thực tiễn của đời sống xã hội, tổ chức trợ giúp pháp lý đã nhanh chóng trưởng thành và có vị trí ổn định trong đời sống xã hội.
Xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và hiệu quả thiết thực của công tác trợ giúp pháp lý, tại kỳ họp thứ 9ngày 29/6/2006Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa sâu sắc của công tác trợ giúp pháp lý trên chặng đường "mang pháp luật" đến với nhân dân. Sau 08 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã thực hiện được 940.183 vụ việc cho 987.949 người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế bằng nhiều hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, hòa giải và kiến nghị. Công tác trợ giúp pháp lý đã trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; thực hiện tốt chính sách nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước được tổ chức và hoạt động theo Luật Trợ giúp pháp lý đã và đang phát huy được những hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ vào công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp và chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta. Với cơ cấu bộ máy và số lượng cán bộ hợp lý(1314 người/63 Trung tâm) hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước được vận hành mang tính ổn định cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao của mỗi địa phương.
Theo quy định của Chính phủ, các tịnh có địa bàn rộng được thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý để đáp ưng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, hệ thống mạng lưới các Chi nhánh chưa được phủ rộng ở các huyện xa trung tâm nên bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện từng vùng miền, địa phương. Riêng đối với các tỉnh miền núi, tỉnh có địa hình phức tạp thì việc duy trì các Chi nhánh là cần thiết và phù hợp với điều kiện đi lại khó khăn của người dân, đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý của người dân. Một số tỉnh đồng bằng cần phân bố phạm vi đặt các Chi nhánh hợp lý hơn để phát huy hiệu quả hơn nữa.
Hiện tại, một hoạt động được nhân dân hoan nghênh và các báo cáo quốc tế đánh giá rất cao là trợ giúp pháp lưu động về cơ sở. Hoạt động này mang tính thực chất nhất, hiệu quả nhất, bám sát cơ sở và nh cầu của người dân cúng như chính quyền cơ sở. Phần đông người dân nghèo, không cóđiều kiện tìm đến trụ sở của các cơ quan công quyền, nay có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí ngay tại quê mình, không phải đầu tư chi phí về thời gian, công sức và cũng chính thông qua việc tư vấn pháp luật trực tiếp cho người dân, giúp họ tháo gỡ nhiều vướng mắc phát sinh, giảm thiểu những khiếu kiện không đáng có, những khiếu kiện kéo dài, vượt cấp góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hộicủa mỗi địa phương. Đồng thời, trợ giúp pháp lý lưu động để người làm trợ giúp tự làm truyền thông đến cơ sở quảng bá về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của mình.
Việc tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là một hình thức sinh hoạt dân chủ cơ sở, nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động trợ giúp pháp lý trong cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân có vướng mắc pháp luật ở địa phương cùngtham gia sinh hoạt. Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ các thành viên cùng nhau trao đổi, bàn bạc, tự tháo gỡ, giải quyết nhữngvướng mắc phát sinh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao nhận thức pháp luật và thực thi pháp luật. Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý do chính quyền cấp xã thành lập, là một tổ chức tự nguyện của những người dân có nhu cầu, mọi người cùng chung tay giúp nhau mà không vì lợi ích cá nhân, cục bộ. Khi mới thành lập các Câu lạc bộ được cấp một phần kinh phí sinh hoạt từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và từ ngân sách nhà nước. Nay không còn sự hỗ trợ nữa, song một số Câu lạc bộ vẫn sinh hoạt theo nhu cầu của người dân địa phương để giúp nhau tự giải quyết vấn đề vướng mắc phát sinh. Do vậy quan điểm về giải thể các Câu lạc bộ bằng mệnh lệnh hành chính là không phù hợp với thực tiễn, trái với ý chí và nguyện vọng của người dân, cần được xem xét, nghiên cứu thấu đáo.
Trình độ dân trí về pháp luật của chúng ta hiện tại còn mức độ so với khu vực và trên thế giới, cộng với văn hoá, tâm lý của người Á Đông rất e ngại khi phải giải quyết vụ việc tại các cơ quan công an, tòa án “Vô phúc đáo tụng đình” nên họ thường chọn các giải pháp khác như tư vấn, hoà giải để tự giải quyết vụ việc. Nên không thể đặt vấn đề tham gia tố tụng là hoạt động chính của Trợ giúp pháp lý. Thựchiện giảm nghèo về pháp luật mà chỉ thông qua các vụ việc tham gia tố tụng thì mục tiêu giảm nghèo mới chỉ đạt được phần ngọn mà chưa tính đến tận gốc rễ của vấn đề là tăng cường dân trí pháp lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra là giảm nghèo toàn diện, giảm nghèo bền vững. Có thể khẳng định các hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý đều vì mục đích phục vụ Nhân dân, hướng về cơ sở, vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Trợ giúp viên pháp lý vừa là tuyên truyền viên, vừa là tư vấn viên, vừa là hòa giải viên, đồng thời là một "luật sư công" để làm cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống với vai trò là người thi hành công vụ, được Nhà nước giao nhiệm vụ.
Xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý không phải là vấn đề mới, vì Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã luật hóa các quy định về xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực tổ chức thực hiện, người thực hiện, phối hợp tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm huy động nguồn lực trong xã hội, bao gồm cả nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất cho công tác trợ giúp pháp lý.
Có ý kiến cho rằng cần chuyển hoạt động trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tham gia tố tụng từ Trợ giúp viên pháp lý sang các luật sư hành nghề tự do và Nhà nước bảo đảm kinh phí chi trả theo vụ việc cho luật sư mà không phải do các tổ chức hành nghề luật sư đảm nhận theo nghĩa vụ quy định trong Luật Luật sư. Thực chất là việc chuyển đổi chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý từ tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước sang tổ chức hành nghề luật sư mà bản chất là Nhà nước hóa hay bao cấp hóa hoạt động của luật sư. Ý kiến này rõ ràng đi ngược lại chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước ta được cụ thể hóa trong Luật Trợ giúp pháp lý tạo động lực cạnh tranh chất lượng cung cấp dịch vụ, huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng chung tay thực hiện một mục tiêu công bằng pháp luật.
Đối với một chủ trương, chính sách lớn và mang đầy tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc như trợ giúp pháp lý thì một khi Nhà nước không còn giữ vai trò nòng cốt sẽ dẫn đến tình trạng trách nhiệm chung chung, không rõ ràng, kêu gọi các tổ chức trong xã hội cùng tham gia, nhưng kết cục chẳng ai chăm lo, chẳng ai có trách nhiệm với người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Buông tay, là đồng nghĩa với việc trở lại thời kỳ cổ suý cho tinh thần làm chủ tập thể trong doanh nghiệp, cũng như phong trào hợp tác xã hoá, đó là tình trạng "cha chung không ai khóc" như thời kỳ những năm trước đổi mới. Chúng ta không thể quay ngược chiều bánh xe lịch sử, trở lại cái mà chúng ta đã dày công xóa bỏ, sửa chữa sai lầm, mặc dù đến nay vẫn còn chút tàn dư.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã xác định một vấn đề rất đúng đắn: "Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước", Nhà nước còn giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và Luật sư, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý.
Không một tổ chức nào có thể thay Nhà nước đảm trách một lĩnh vực hết sức quan trọng, nhạy cảm liên quan đến đông đảo người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và nhóm yếu thế như hoạt động trợ giúp pháp lý. Xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý phải được hiểu là Nhà nước tạo cơ chế huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia vào việc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng Nhà nước không thể thoái thác trách nhiệm mà vẫn phải giữ vai trò nòng cốt, chủ động điều phối, bảo đảm trợ giúp pháp lý phát triển bền vững.
Lê Bản
(Chuyên viên cao cấp)
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Thái Bình.
Địa chỉ liên hệ: Số 06 Phố Hai Bà Trưng , thành phố Thái Bình.
ĐT: 0983 996 555
thủ tướng, ban hành, quyết định, thành lập, tổ chức, pháp lý, nhà nước, thể hiện, truyền thống, dân tộc, trách nhiệm, xã hội, tiếp cận
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc