Chủ tịch nước, Thủ tướng phải tuyên thệ nhậm chức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến nhiều cơ quan và các đoàn đại biểu Quốc hội dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội.
Một trong những lý do cần phải sửa luật được nêu tại tờ trình là Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có những quy định mới về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đòi hỏi cần phải cụ thể hóa.
Và, theo quy định tại Hiến pháp mới, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Những hiến định này đều đã được thể hiện tại dự thảo luật, trong mỗi điều về bầu các chức danh nói trên đều có một dòng quy định, sau khi được bầu, các vị “tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.
Thủ tướng và các vị giữ trọng trách cần tuyên thệ khi nhậm chức cũng là góp ý của một số vị đại biểu khi góp ý sửa Hiến pháp.
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành (luật ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2007).
Luật hiện hành đưa những quy định về việc bầu các chức danh lãnh đạo nhà nước này vào các Điều 80, 81, 84, 85 của chương V quy định về kỳ họp Quốc hội thay vì để ngay ở chương I quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhiệm kỳ của Quốc hội như dự thảo luật sửa đổi lần này. Trong các Điều khoản cũng không có nội dung quy định về việc tuyên thệ đối với bất chứ chức danh nào như dự thảo lần này.
Đầu nhiệm kỳ này (2011-2016), tại kỳ họp đầu tiên (tháng 7, 8/2011), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã được dành thời gian để ra mắt Quốc hội, phát biểu nhậm chức nhưng không phải là thực hiện yêu cầu tuyên thệ bắt buộc.
Bên cạnh điểm mới ở quy định bầu các vị giữ trọng trách của đất nước, việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, theo dự thảo luật cũng đã có điểm mới.
Với việc luật hóa nội dung tại điều 32 của nội quy kỳ họp Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung một khoản quy định cụ thể về việc gửi đơn xin từ chức và tiến hành việc từ chức.
Theo đó, đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ đó. Cơ quan hoặc người đã đề nghị để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc