Sáng 9/9, TAND huyện Đông Anh (Hà Nội) đã mở phiên sơ thẩm, xét xử bị cáo Tô Văn Hỏa (SN 1989, trú tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Bị cáo Hỏa luôn kêu oan và khẳng định mình vô tội. Ảnh: T.G
Mặc dù những dấu hiệu bất thường trong vụ án vẫn chưa được làm rõ nhưng HĐXX vẫn tuyên phạt bị cáo 8 tháng 26 ngày tù, do mức án bằng thời hạn tạm giam nên Hỏa được trả tự do ngay tại tòa.
Vụ án bị “hở sườn”
Theo Bản cáo trạng số 97/CT-VKS ngày 8/5/2013 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Đông Anh, chiều ngày 13/08/2011, bị cáo Hỏa điều khiển xe máy thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ đã đâm vào đuôi xe đạp của ông Nguyễn Mạnh Nhí (SN 1941) khiến nạn nhân ngã xuống đường và tử vong tại bệnh viện. Quan điểm này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của bị cáo Hỏa và luật sư Bùi Phương Lan (bảo vệ cho bị cáo).
Trình bày trước tòa, bị cáo Hỏa cho rằng, nếu giữa xe máy và xe đạp có va chạm dẫn đến xe đạp của ông Nhí bị văng về phía trước (cách nơi nạn nhân ngã 3,2m) thì đây là cú va chạm rất mạnh. Thế nhưng, khi kiểm tra dấu vết trên xe đạp cho thấy phương tiện này chỉ bị xây xước nhẹ, mặt ngoài nhánh bên phải chân chống có vết xước kim loại; mặt ngoài cạnh bên phải và mặt sau nắp đèn phản quang có vết vỡ nhựa màu đỏ. “Nếu nói xe máy do tôi điều khiển không làm chủ được tốc độ nên đâm vào đuôi xe đạp đi cùng chiều khiến nó bị văng cách nạn nhân bị ngã hơn 3m mà chỉ bị hư hỏng nhẹ như thế là thiếu thuyết phục. Trong tất cả các bản khai từ trước đến nay cũng như tại phiên tòa hôm nay, tôi luôn khẳng định là không va chạm với xe của ông Nhí”, bị cáo Hỏa nói.
Bị cáo Hỏa và luật sư bảo vệ cho rằng, biên bản khám nghiệm phương tiện thể hiện các dấu vết trên xe mô tô và xe đạp đều nằm ở phía bên phải của phương tiện. Đây là chi tiết vô lý vì khi hai xe di chuyển về cùng một hướng, nếu xe máy đâm vào xe đạp và tạo ra các dấu vết ở phía bên phải của xe đạp thì các dấu vết tương ứng trên xe máy phải nằm ở phía bên trái (và ngược lại). Thế nhưng, trong vụ án này, các dấu vết thu được trên cả hai phương tiện đều ở bên phải. Mặt khác, tại Bản kết luận giám định số 2368/C54 (P4) ngày 26/10/2011 của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận không đủ căn cứ xác định các dấu vết (nhựa, cát) trên xe đạp là của xe máy do Hỏa điều khiển.
Về những mâu thuẫn này, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 (ngày 23/7/2013), TAND huyện Đông Anh đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung chi tiết: “Xác định các dấu vết thu được trên xe máy do Hỏa điều khiển và trên xe đạp của ông Nhí có phải là các dấu vết tương ứng trong vụ tai nạn gây ra cái chết cho nạn nhân như cơ quan điều tra đã dựng lại”. Thế nhưng, VKSND huyện Đông Anh cho rằng “yêu cầu thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường vụ tai nạn, VKS nhận thấy không cần thiết và không thể thực hiện được”.
Xác định lỗi không đúng căn cứ
Đại diện VKSND cho rằng, bị cáo Hỏa điều khiển xe máy thiếu quan sát, không chấp hành nghiêm hệ thống báo hiệu đường bộ, vi phạm Khoản 4 (Điều 11, Luật Giao thông đường bộ). Thế nhưng, nhận định này đã bị luật sư Bùi Phương Lan phản đối và cho rằng, VKSND áp dụng không đúng luật. Luật sư Lan giải thích, Khoản 4 quy định: “Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật sang đường. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn”. Luật sư Lan nhấn mạnh: “Trong vụ án này, không có người đi bộ, xe của người khuyết tật cũng không, chỉ có các phương tiện đang tham gia giao thông (xe máy do Hỏa điều khiển và xe đạp của ông Nhí) nên quy kết cho bị cáo Hỏa “không chấp hành nghiêm ngặt hệ thống báo hiệu đường bộ” theo Khoản 4 (Điều 11) là không chính xác”.
Cũng tại tòa, phía VKSND khẳng định bị cáo Hỏa đã không làm chủ được tốc độ nên đã va chạm với xe đạp của ông Nhí, khiến nạn nhân ngã xuống đường gây tử vong. “VKSND huyện Đông Anh cho rằng Hỏa không làm chủ tốc độ nhưng lại không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào về việc bị cáo điều khiển xe máy vượt quá tốc độ cho phép hoặc bị cáo phóng nhanh, chạy ẩu. Tại hiện trường vụ án không hề có một vết phanh xe nào thể hiện Hỏa đi nhanh không làm chủ tốc độ, trong khi đó, nhân chứng và bị cáo đều khai nhận đi với tốc độ khoảng từ 30- 40 km/h. Điều đáng nói, tại khu vực này không có biển báo giới hạn tốc độ dưới 30km/h nên nói Hỏa không làm chủ tốc độ là thiếu căn cứ. Do viện dẫn các quy định trên không đúng nên VKSND dùng các điều luật này để quy kết bị cáo “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là hoàn toàn không có căn cứ, dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng người, đúng tội”, luật sư Lan lập luận.
Bất chấp những mâu thuẫn trong vụ án chưa được làm rõ, HĐXX vẫn kết luận bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và tuyên phạt 8 tháng 26 ngày tù. Do Hỏa đã bị tạm giam bằng đúng mức án trên nên bị cáo được trả tự do ngay tại tòa. Mặc dù rất vui khi được trả tự do nhưng bị cáo Hỏa cho biết vẫn tiếp tục kháng cáo lên tòa cấp trên để được minh oan.
Ý kiến bạn đọc