ĐBQH Dương Trung Quốc: Vụ án oan cứ như… phim Mỹ
ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng 5/11.
Thưa ông, ông bình luận như thế nào về vụ án anh Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc Giang) vừa được trả tự do sau 10 năm bị tù giam mà báo chí thông tin hai ngày qua?
Thứ nhất là tôi mừng cho họ, nhưng suy nghĩ điều gì gây nên oan ức đó. Xem cái này tôi lại nghĩ đến các bộ phim hình sự của Mỹ, đó là nhiều khi người ta phải tự đi giải quyết việc của mình, tự giải oan cho mình. Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn.
Cái gì khiến cho sau 10 năm mọi chuyện mới sáng tỏ. Vậy câu chuyện cách đây 10 năm là như thế nào? Tỷ lệ án oan là bao nhiêu? Trong án oan ấy có bao nhiêu án oan được giải? Đó là một câu hỏi rất là khó, là một ẩn số.
Nếu theo dõi ở Quốc hội ta sẽ thấy một thực trạng là ngay các cơ quan tham gia vào quá trình điều tra tố tụng đều than về sự quá tải của mình. Bởi số lượng những vụ án và nhất là chất lượng của các cơ quan tham gia. Nhưng tôi cũng đặc biệt chú ý đến việc áp lực từ khối lượng xét xử được nhân lên, bởi việc xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần qua các cấp, mà mỗi cấp lại có những kết luận gần như trái ngược lại nhau.
Nó tạo ra cảm giác rằng, phải chăng chính sự đưa đẩy ấy và đằng sau sự đưa đẩy ấy có những mặt tiêu cực. Chính vì thế mà tôi cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ chất lượng của bộ máy điều tra, xét xử.
Ông nghĩ sao khi một công dân vô tội phải ký vào các bút lục nhận tội?
Điều này là rất nhiều. Có thể nói nó là một thực trạng khá phổ biến. Chỉ khi ra tòa thì họ mới khai. Bởi vì chắc chắn thời kỳ tạm giam là thời kỳ họ bị khống chế, chịu nhiều áp lực trực tiếp. Họ chỉ biết rằng khi ra tòa họ mới có thể nói điều họ muốn nói. Thế nên việc họ phải khai thuận theo điều tra là điều dễ hiểu.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng ép cung vẫn xảy ra trong không ít các vụ án oan sai?
Ở đây cần nhắc tới vai trò của luật sư. Nếu luật sư được tham gia tố tụng ngay từ đầu, được thực thi hết trách nhiệm của mình, đấy chính là yếu tố đảm bảo giám sát ngay trong quá trình điều tra, tránh hiện tượng tiêu cực, nhất là dẫn đến việc phạm nhân phải khai theo lời của cơ quan điều tra.
ĐBQH Dương Trung Quốc
Vậy theo ông, cải cách tư pháp 10 năm qua đã làm được những điều như ông nói chưa?
Tôi thấy chưa làm được. Chúng ta thấy vai trò của luật sư tuy đã thay đổi rất nhiều, nhưng số lượng luật sư giỏi chưa nhiều. Trong khi người dân không phải ai cũng có khả năng, điều kiện để tiếp xúc với luật sư giỏi. Tôi cho điều này dẫn đến tình trạng đó.
Nhưng vấn đề còn lại là ngay khi xảy ra sự việc, cơ quan điều tra mà làm chuẩn mực, đi đến cùng sự việc thì sẽ khắc phục được phần nào oan sai.
Trong vụ án này, nhờ có hung thủ ra đầu thú nên người bị oan mới được trả tự do? Còn nhiều vụ kỳ án khác (như Vụ án vườn mít hay vụ 3 thanh niên tại Yên Nghĩa Hà Đông) mà hung thủ không ra đầu thú thì việc oan sai vẫn là một dấu hỏi mãi mãi?
Lẽ thông thường cơ quan điều tra phải là người góp phần tìm ra hung thủ, kết thúc vụ án. Nhưng hung thủ ra đầu thú không biết là do họ tự giác hay chịu áp lực của xã hội, trong đó có câu chuyện gia đình phải tự đi giải oan cho người thân của mình. Và hiện trạng tự xử như thế không giống như những hiện trạng khác đâu.
Cách đây vài năm, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, án oan sai được đưa ra nói rất mạnh mẽ. Nhưng gần đây không có mấy. Phải chăng án oan đang ít đi hay các đại biểu QH không quan tâm đến nữa?
Tôi chưa rõ là trong vụ việc này từ trước đó, các cơ quan dân cử, HĐND, đại biểu Quốc hội đã tiếp cận được chưa và đã tạo ra áp lực theo quy định của pháp luật hay chưa?
Thí dụ như hiện nay tôi cũng có một vài vụ án đang phải theo đuổi. Nhưng nhiều khi chính chúng tôi đưa yêu cầu tới Tòa án nhân dân Tối cao để xem xét lại. Nhưng Tòa chưa trả lời thì đã xử lại rồi. Nên nếu lần này có cơ hội, tôi sẽ chất vấn Chánh án TAND Tối cao về chuyện này.
Nhiều đại biểu QH đã gửi đơn kêu oan của dân đến các cơ quan khác, nhưng không được trả lời. Vậy thì ông thấy rằng phải chăng những lá đơn mà ông Chấn viết trong 10 năm qua không được các cơ quan quan tâm?
Kinh nghiệm của tôi thấy là có trả lời, nhưng trả lời phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Và có những cái không trả lời, chưa trả lời mà người ta vẫn tiếp tục xét xử. Không phải chỉ cá nhân tôi mà nhiều đại biểu QH cũng đã tham gia và đều không nhận được hồi âm. Bản án vẫn tiếp tục được xử.
Người ta nói nhiều đến án bỏ túi. Vậy theo ông cần giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Tất nhiên là phải loại trừ, còn loại trừ hay không thì là cả một quá trình. Có thể thấy rõ ràng nhất là cùng một vụ việc xét xử, nhưng cấp này thì thuận, cấp khác lại ngược. Cứ dích dắc như thế đi đến tận cùng khiến tạo ra việc lớn, lẽ ra chỉ làm 1 lần thôi.
Thứ hai là, vậy công lý ở đâu khi các hội đồng xét xử đều của Nhà nước, nhưng cứ khác nhau như thế. Đây là câu chuyện không dễ trả lời ngay được. Nhưng hiện tượng ấy lẽ ra phải được trả lời, cơ quan tòa án phải trả lời.
Xin cảm ơn ông!
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc