Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt giá cả, cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng lớn.
Chính phủ cũng tiếp tục quan tâm tăng tổng cầu đầu tư, tăng tín dụng gắn liền với đảm bảo chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm bố trí vốn đối ứng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình trọng điểm, nhất là các công trình giao thông.
Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu ngân hàng; tái cơ cấu doanh nghiệp với trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đồng thời tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp; thực hiện hiệu quả hơn Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống...
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững; chủ động phòng chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm.
Liên quan đến việc tổ chức Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 18 vào năm 2019), Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ VHTTDL trong tuần tới (7-11/4) báo cáo phương án cụ thể việc đăng cai tổ chức Đại hội để Thủ tướng Chính phủ có ý kiến và phải làm chặt chẽ việc này. Thủ tướng nói: Chủ trương là đồng ý nhưng phải có kế hoạch, phương án bảo đảm khả thi thì mới làm, còn không khả thi thì không làm.
* Tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế với sự tham gia của nguyên thủ, lãnh đạo các nước trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ưu tiên thúc đẩy thêm 5 vấn đề nhằm phát huy vai trò của Ủy hội vì lợi ích chung của cả khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, có thể nói chưa bao giờ lưu vực sông Mekong đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Nhu cầu gia tăng về tài nguyên cho các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó có nhu cầu năng lượng và lương thực đã tạo nên áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan cũng như môi trường sinh thái trong lưu vực sông. Những tác động ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, là một thành viên có trách nhiệm, đồng thời là nước ở cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước ven sông đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Nhằm phát huy vai trò của Ủy hội vì lợi ích chung của cả khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ưu tiên thúc đẩy thêm 5 vấn đề cụ thể: Tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong 1995, cũng như các thủ tục, quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước; Cập nhật và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước thông qua việc thực hiện các kế hoạch hành động của quốc gia và vùng; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo của Ủy hội; Tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội trong triển khai thực hiện cam kết của các nước thành viên về hợp tác quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước chung sông Mekong vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực. Cuối cùng là tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác giữa Ủy hội và các nước đối tác, khuyến khích sự tham gia và tham vấn giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực vì sự phát triển bền vững của lưu vực.
* Bên lề Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với: Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen; Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin và Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên Thủ tướng Thái Lan, ông Sihasak Phuangketkeow.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu, đánh giá cao những đóng góp của các nước đối với thành công của Hội nghị, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước trong lưu vực sông Mekong.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các thành viên và các nước đối tác nhằm triển khai một cách hiệu quả các định hướng, chiến lược và dự án của Ủy hội.
* Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Razak đã nhất trí sẽ tiến tới đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới - đối tác chiến lược.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong hơn 40 năm qua. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2013 đạt trên 9 tỉ USD (tăng 67% so với năm 2010). Về đầu tư, hiện nay, Malaysia đứng thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 451 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 11 tỷ USD trước năm 2015; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường thương mại, đầu tư lẫn nhau. Nhất trí ký MoU về Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Malaysia, sớm ký kết Bản ghi nhớ (MoU) riêng về thương mại gạo; đồng thời tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như lao động, nông nghiệp, dầu khí, giáo dục, luật pháp, tư pháp…
Thủ tướng trao cờ Tổ quốc cho Thuyền trưởng hai tàu ngầm trong Lễ thượng cờ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng ngày 3/4, tại Khánh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Quốc kỳ để giương lên hai tàu ngầm hiện đại HQ-182 mang tên Hà Nội và HQ-183 mang tên TPHCM, ghi dấu sự ra đời, chính thức đi vào hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là một sự kiện đánh dấu bước phát triển mới đặc biệt quan trọng của Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, của QĐND Việt Nam nói chung với việc ra đời, chính thức đi vào hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên có uy lực chiến đấu cao của Hải quân nhân dân Việt Nam với 2 tàu ngầm hiện đại HQ 182 Hà Nội và HQ 183 TPHCM và trong thời gian sắp tới sẽ có thêm 4 tàu ngầm hiện đại nữa gia nhập vào đội hình của Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam, đó là các tàu ngầm mang tên: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Nhân đây, một lần nữa chúng ta khẳng định đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
* Nhân kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Chương trình đi bộ từ thiện “Chung bước yêu thương-Trao niềm hy vọng” lần thứ nhất năm 2014 tại hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TPHCM. Tại đây, Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và bạn bè quốc tế tiếp tục quan tâm, giúp đỡ và đồng hành với NKT, trẻ mồ côi ngày càng sâu rộng, có kết quả thiết thực. Đồng thời, các bộ, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về người khuyết tật (NKT), sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp liên quan đến NKT, nhất là trong dạy nghề và việc làm, giáo dục hòa nhập, chăm sóc sức khỏe; gắn dạy nghề với tạo việc làm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung,
ý nghĩa của Hiến pháp. Ảnh VGP/Lê Sơn
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên toàn quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp là hết sức quan trọng, nhằm đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, phát huy các giá trị của Hiến pháp trong thực tiễn, các tuyên truyền viên, báo cáo viên sẽ có được nhận thức toàn diện về nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, xác định rõ phương pháp phù hợp khi phổ biến, giới thiệu Hiến pháp cho từng đối tượng người dân, tùy theo trình độ, nhận thức pháp lý của họ. Từ đó, thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất nhiệm vụ được giao trong việc giới thiệu, phổ biến Hiến pháp.
* Thị sát và làm việc với các lực lượng chức năng khu vực vùng biên Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải ngăn chặn hiệu quả tình hình tội phạm, buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn.
Đồng thời phải có biện pháp hữu hiệu, căn cơ nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại các loại hàng hoá qua biên giới. Các lực lượng chức năng, nhất là biên phòng cửa khẩu, cần phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị và cán bộ, chiến sỹ, đồng thời, có biện pháp chống thẩm lậu qua biên giới các loại hàng hoá, gia cầm không rõ nguồn gốc vào nội địa.
* Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), dự báo bão lớn và thảm họa thiên tai hoàn toàn có thể xảy ra, do vậy việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục với thiên tai cần được nâng cấp từ nhận thức, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng đến các cơ chế và hành động, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, nhiệm vụ năm 2014.
Phó Thủ tướng cũng rút kinh nghiệm từ việc khảo sát, học hỏi qua vụ phòng chống bão Hayan của Philippines, chú ý phương án dự phòng trong tình huống siêu bão mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm về thông tin, điện lực, lực lượng, hậu cần, chỉ đạo, chỉ huy, vì vậy khi gặp thảm họa lớn sẽ lúng túng, khó khăn trong ứng cứu, hỗ trợ khẩn cấp.
* Trong tháng 6/2014, Bộ NNPTNT sẽ hoàn thiện dự thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng về tình hình, kết quả hoạt động năm 2013.
Chủ tịch AmCham Gaurav Gupta trao tặng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
bằng lưu niệm “Đối tác cùng tăng trưởng”. Ảnh VGP/Nguyên Linh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những đóng góp thiết thực và hiệu quả của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), cộng đồng các doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ khi đến dự Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam và kỷ niệm 20 năm quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong 20 năm hoạt động, AmCham đã có những đóng góp tích cực, cụ thể, từ việc cung cấp thông tin về các chính sách kinh tế của Việt Nam, điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp đến việc tư vấn, kết nối và kiến tạo các cơ hội kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ và phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp đến với Chính phủ Việt Nam. Phó Thủ tướng mong muốn thời gian tới, AmCham tiếp tục thực hiện và thể hiện vai trò quan trọng của mình, vì sự thành công của các doanh nghiệp thành viên, vì sự hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.
* Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành tập trung rà soát lại các cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân, nếu thấy vướng mắc, trùng lắp thì đề xuất sửa đổi bổ sung, có tính đến cả yếu tố đặc thù của địa phương để thúc đẩy nghề cá đánh bắt xa bờ khi chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về chính sách khai thác, nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc ngư dân khó tiếp cận được các nguồn vốn có lãi suất ưu đãi của Nhà nước; Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản.
* Nếu các DNNN không tái cơ cấu, kịp thời tái cơ cấu có thể sẽ bị “thua” trong hội nhập cạnh tranh. Vì thế, phải tái cơ cấu hướng tới “thu hẹp để nâng chất lượng”, dứt khoát chỉ giữ lại những công đoạn, lĩnh vực, địa bàn then chốt, lĩnh vực nào mà tư nhân không thể làm tốt-yêu cầu được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặt ra tại Hội nghị: “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương đến năm 2015”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý một số điểm trong quá trình tái cơ cấu. Trước hết, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, trong đó DNNN là nòng cốt của kinh tế Nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế. DNNN muốn thành công phải quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường như các thành phần kinh tế khác. Trong quá trình tái cơ cấu, các doanh nghiệp phải được quản lý chặt chẽ minh bạch. Tái cơ cấu phải gắn liền với tự nâng cao kỹ năng quản trị, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ mới.
Phó Thủ tướng trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các
phong trào thi đua. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giao nhiệm vụ cho tỉnh Đồng Tháp lựa chọn các mô hình liên kết sản xuất các ngành hàng nông sản để thí điểm thực hiện nhằm phát huy hơn vai trò của kinh tế hộ trong cuộc họp cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phó Thủ tướng đánh giá đây là một Đề án táo bạo khi không chỉ đặt ra mục đích thay đổi tư duy, cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp mà còn đặt ra cả các vấn đề sắp xếp dân cư trên địa bàn. Câu chuyện xác định quy hoạch sản xuất của Đồng Tháp nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung, thì không phải riêng Đồng Tháp có thể làm được mà các bộ, ngành cần vào cuộc cùng với địa phương thực hiện.
* Tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu Đoàn Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức cuộc gặp mặt mừng Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với những chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, diện mạo các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống ngày càng đổi mới và có những chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí được nâng cao khá rõ rệt, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo tiếp tục được phát huy. Hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước có nhiều tiến bộ. Đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer từng bước phát triển.
Phó Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tích cực tham gia các phong trào thi đua, nhất là thi đua học tập, thi đua sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới. Các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer nỗ lực đẩy mạnh công tác Phật sự, đưa hoạt động của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước ngày càng thiết thực, hiệu quả; chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú, đa dạng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm các gian hàng trong VITM 2014. Ảnh: VGP/Đình Nam
Khai mạc Hội chợ quốc tế Du lịch Việt Nam 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi các cấp, các ngành, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp và mọi người dân cùng nhau chung tay phát triển du lịch, phát triển đất nước, chung tay để tăng cường sự hợp tác giữa các dân tộc.
Cho rằng du lịch góp phần làm các dân tộc gần nhau hơn, chia sẻ những nét đẹp văn hóa, cùng hỗ trợ để phát triển bền vững, Phó Thủ tướng nhấn mạnh :“Một nụ cười cũng là tham gia làm du lịch. Những nỗ lực để duy trì phát huy những làng nghề truyền thống, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa cũng là tham gia phát triển du lịch. Một nỗ lực nhặt mảnh rác ở đường hay không vứt mảnh rác trong tay ra đường thì cũng có nghĩa là chúng ta tham gia phát triển văn hóa Việt Nam, phát triển du lịch”.
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Phumzile Mlambo-Ngcuka chúc mừng những
thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Ảnh VGP/Hải Minh
Tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc điều hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Phumzile Mlambo-Ngcuka chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), đặc biệt là xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới. Sau cuộc họp với Bộ LĐTBXH sáng nay, những bài học của Việt Nam trong bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới sẽ được chia sẻ với các nước, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka khẳng định.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết vấn đề bình đẳng giới đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. Chính phủ đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, lồng nghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, các chương trình phát triển kinh tế.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam luôn tham gia tích cực vào công việc chung của cộng đồng quốc tế về bình đẳng giới. Khi trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2008-2009, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức các cuộc họp liên quan đến phụ nữ trong và sau xung đột. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mong muốn UN Women tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam phát huy các thành tựu và giải quyết các thách thức về bình đẳng giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế, và nâng cao năng lực thực hiện các báo cáo quốc gia trong lĩnh vực này.
chủ trì, hội nghị, cao ủy, quốc tế, chỉ đạo, vấn đề, phổ biến, hiến pháp, xây dựng, mô hình, nông nghiệp, thiên tai, hoạt động, nổi bật, thủ tướng
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc