Sau 3 năm thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Chưa phát huy hết vai trò

Thực trạng công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam cho thấy, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. 1/7/2011 Luật bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Đến nay, sau 3 năm đi vào cuộc sống, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục..
Luật còn xa cuộc sống…
       Luật Bảo vệ người tiêu dùng là cơ sở pháp lý để đấu tranh chống lại các hành vi tiêu cực nhưng quãng đường từ Luật đến cuộc sống còn rất xa. Bây giờ, điều quan trọng là trang bị cho người tiêu dùng kiến thức pháp luật. Không ai khác, người tiêu dùng phải thấy đây là cái quyền của mình phải lên tiếng để đấu tranh.
       Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Năm qua, Hội đã tiếp nhận trên 1.000 vụ việc liên quan đến xâm hại quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đã xử lý thành công trên 75% vụ việc. Trong số chưa thành công có một phần lỗi từ người tiêu dùng mua hàng nhưng không lấy hóa đơn, không đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và một phần khác do phía doanh nghiệp thiếu thiện chí. Luật có một chương riêng, quy định chức năng của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong đó có chức năng giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa được cấp kinh phí để hoạt động. Theo đó, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam còn có thẩm quyền trong việc đưa một vụ việc ra tòa nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
       Công tác tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế. Số người tiêu dùng lắm vững luật còn rất ít. Hiện nay, tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được hiểu là các tranh chấp dân sự thông thường nên được xử lý theo các quy định hiện hành về pháp luật tố tụng dân sự.

Xử lý tranh chấp bằng luật dân sự là chủ yếu
           Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ tại Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng công tác này bởi lẽ bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành chưa có những chế tài đặc thù, đủ sức răn đe để xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, các tranh chấp của người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn đang áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành để giải quyết là không phù hợp vì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự là quá phức tạp và tốn kém, không phù hợp với khiếu nại, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng.
         Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, khiếu nại từ phía người dân chỉ là một kênh. Chúng ta rất cần hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương chuyên tiếp nhận khiếu nại, can thiệp, xử lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, ở nhiều địa phương chỉ cử mấy cán bộ làm công việc này, rõ ràng không đáp ứng được tình hình thực tiễn. Điều đó không chỉ gây vướng mắc cho người tiêu dùng, cho Hội mà cho cả các cơ quan nhà nước.

Tác giả bài viết: Hải Hồ

Nguồn tin: thương hiệu và công luận