'Thầy đánh trò' không phải lúc nào cũng xử lý hình sự

Tình trạng ngược đãi, bạo hành học sinh là vấn đề nóng học đường. Bằng hình thức này hay hình thức khác những người thầy, người cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp sẽ bị pháp luật nghiêm trị
Ảnh minh họa
Phạt tiền, kỉ luật hay xử lý hình sự

Khoản 1, Điều 16b, Nghị định 40/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục hành vi ngược đãi, hành hạ người học sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Luật sư Ngô Đình Hoàng, đoàn luật sư TP HCM qua trao đổi với báo chí, cho rằng, trong phạm vi môi trường sư phạm thì không nên áp dụng biện pháp xử phạt bằng tiền mà nên xử lý kỷ luật khác. “Bản thân người học và người dạy đều là những đối tượng về điều kiện tài chính không dư dả hoặc phụ thuộc, phạt bằng tiền không giúp giải quyết được vấn đề. Trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mà chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể kiện ta toà để yêu cầu bồi thường thiệt hại, chứ nhà nước không nên “tận thu” nhắm vào hai đối tượng này”, ông Hoàng nói.

Trường hợp áp dụng biện pháp xử phạt bằng tiền, theo ông Hoàng, cần hết thức cẩn thận, kẻo hoặc trái luật hoặc không áp dụng được trên thực tế mà lại đẻ ra tiếp những thông tư, văn bản hướng dẫn khác.

Ngoài bị phạt tiền, với tư cách là viên chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức và nghị định xử lý kỉ luật viên chức số 72/2012/NĐ – CP, hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên sẽ bị xử lý kỉ luật với hình thức khiển trách, cảnh cáo tùy theo mức độ thực hiện hành vi. Bởi lẽ, vấn đề này không những vi phạm quyền công dân cơ bản mà người thầy còn vi phạm đạo đức giáo dục cơ bản

Pháp luật hình sự cũng điều chỉnh vấn đề này trong trường hợp nhất định khi mà hành vi bạo hành cấu thành tội phạm. Đó là trường hợp, giáo viên đánh học sinh thuộc các trường hợp quy định tại Điều 104, BLHS về tội cố ý gây thương tích.

Như vậy, áp dụng hình thức phạt tiền, xử lý kỉ luật và có thể khởi tố hình sự đối với việc giáo viên có hành vi ngược đãi, bạo hành học sinh trong học đường.

Để xảy ra việc bạo hành trường học, trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm ở đây rất rõ ràng, nhà trường đã không quan tâm đúng mực tới việc tuyển người có đủ tiêu chuẩn, được đào tạo một cách có hệ thống và thực chất. Và đương nhiên, cơ quan quản lý giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn ngành đã đề ra.

Ở khu vực giáo dục tư nhân, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý lỏng lẻo hơn so với các trường công lập. Đây là điểm cần thiết phải khắc phục.

Khi một chuỗi sự kiện xảy ra và tập trung vào vấn đề đạo đức, trình độ và nghiệp vụ người thầy, cơ quan quản lý cấp trên cũng nên quan tâm hơn nữa. Trên cơ sở đó, thúc đẩy toàn bộ cơ quan quản lý các cấp đẩy mạnh hơn việc thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình.

Nguồn tin: nguoiduatin.vn