Tân chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - Luật sư Nguyễn Chiến: Người cần mẫn tìm lại công lý trong những vụ án oan sai

Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội - Luật sư Nguyễn Văn Chiến, người đã có những cống hiến không nhỏ trong sự nghiệp tư pháp, góp phần giữ vững công bằng xã hội. Thời kỳ đầu mới vào nghề, như bất cứ ai, ông cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ, đôi khi chán nản với nghề. Ông tâm sự, tiếng kêu oan của các bị cáo trong mỗi vụ án luôn khiến ông trăn trở, suy tư.
Tân chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - Luật sư Nguyễn Chiến: Người cần mẫn tìm lại công lý trong những vụ án oan sai
Với quan niệm, luật sư là người “đi tìm công lý” nên ông coi việc tìm lại sự công bằng cho những người bị oan sai như là sứ mệnh của riêng mình. Với gần 30 năm hoạt động nghề luật sư ông đã minh oan, xóa án tử hình cho hàng chục trường hợp, bào chữa và bảo vệ thành công cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong các vụ án trị an và kinh tế lớn…
 
Ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, Luật sư Nguyễn Văn Chiến luôn mong muốn đem lại sự bình đẳng và công bằng cho mọi người. Sau khi tốt nghiệp THPT ông chọn thi vào trường Đại học Pháp lý Việt Nam (nay là ĐH Luật Hà Nội). Tốt nghiệp ra trường cũng là thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập, năm 1986, sau nhiều trăn trở trước những con đường lập nghiệp phía trước, ông đã quyết định xin về làm việc tại Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, đứng trước công cuộc đổi mới của đất nước, ông kiên định với nghề luật sư, gia nhập Đoàn Luật sư TP. Hà Nội ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên (1984-1989).
Thời đó, nghề luật sư còn là một nghề chưa phổ  biến và khá xa lạ trong xã hội. Quyết định theo nghiệp luật sư trong bối cảnh này là cả một sự táo bạo, ông tâm sự: “thời gian đó có nhiều khó khăn, bản thân tôi còn nhiều bỡ ngỡ. Song, chưa lúc nào tôi cho phép mình mệt mỏi, chỉ cần nghĩ tới các đương sự cần những luật sư để bảo vệ, tôi lại như có thêm động lực để cố gắng”. May mắn được làm việc với các luật sư lão thành cách mạng từng kinh qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từng giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan lập pháp và tư pháp như Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, VKSND TC,… Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội đầu tiên là cố LS. Vũ  Như Giới sau khi nghỉ công tác tại Văn phòng Quốc Hội, LS. Nguyễn Thành Vĩnh, Phan Châu, Vũ Khắc Toản… nên người luật sư trẻ là ông khi đó, có cơ hội học hỏi được nhiều kinh nghiệm về nghề và lẽ sống nhân nghĩa, tạo nên một tên tuổi Nguyễn Chiến thành công trong nghề Luật ngay từ những vụ án đầu tiên.
Trong suốt gần 30 năm hoạt động và công tác vì sự nghiệp chung của giới luật sư, ông liên tục được các luật sư tín nhiệm bầu giữ trọng trách trong Ban lãnh đạo Đoàn luật sư thủ đô các khóa VI – VIII, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đặc biệt, trong Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhiệm kỳ IX vừa diễn ra, Luật sư Nguyễn Chiến đã được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Chiến và hành trình tìm lại công lý trong những vụ án oan sai.

Trong suốt quãng thời gian hoạt động hành nghề luật sư, ông gặp không ít những khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy nỗi niềm khi tiếp xúc với các vụ án. Nhận thấy thiên chức của nghề Luật sư là đi cứu người, giúp người thoát khỏi những oan ức nên bên cạnh việc tự trau dồi và học hỏi kinh nghiệm, được sự chỉ bảo nhiệt tình của những cây “gạo cội” trong ngành luật thời kỳ đầu, ông đã nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của người dân, xã hội.
Nhớ lại vụ án oan sai đầu tiên bào chữa, ông nói: Khi mới vào nghề, tôi được giao bào chữa cho vụ án của bà Nguyễn Thị Chiến (trú tại xã Thanh Lâm, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội). Bà Chiến là chuyện một người dân đi tố cáo lãnh đạo địa phương là ông chủ tịch xã, tuy nhiên, ông chủ tịch xã này lại tố cáo ngược ra các cơ quan pháp luật ở địa phương để khởi tố, xử lý bà về tội “Vu khống”. Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Chiến bị TAND huyện Thanh Oai tuyên phạt tù về tội Vu khống. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, xác minh lại thông tin cho thấy, việc điều tra, thu thập chứng cứ dường như chỉ bảo vệ cho ông chủ tịch còn phần trình bày của bà Chiến lại không được xem xét khách quan, không được thu thập chứng cứ gỡ tội để chứng minh cho lời kêu oan ấy là đúng hay không? Vì vậy, sau khi tuyên án, bị cáo tiếp tục chống án kêu oan và luật sư vẫn tiếp tục hành trình đi tìm công lý cùng thân chủ tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Trầm ngâm một lúc ông kể: Câu chuyện của bị cáo là câu chuyện “tình ngay, lý gian”, Nguyễn Thị Chiến từng di cư vào Nam theo chồng. Khi chồng chết, chị trở về quê, mua lại nhà của Ủy ban. Tiền đã giao, nhà đã nhận, khi chị Chiến đang tiến hành sửa nhà thì dân quân mang súng đến, buộc phải dừng lại với lý do “chưa thanh toán hết tiền”. Chị Chiến làm đơn khiếu nại lên huyện, trình bày sự thật là đã trao toàn bộ tiền cho Chủ tịch. Nhưng không có ghi âm, không có giấy tờ biên nhận nên chị không có bất kì một thứ gì chứng minh việc “tiền trao cháo múc” trong âm thầm này. Kết quả, chị Chiến lại bị tố cáo ngược về tội Vu khống và bị kết án 18 tháng tù.
Dù biết rõ đây là án oan, nhưng không có bằng chứng. Tiếng "kêu oan" của người đàn bà “mẹ góa, con côi” đã làm vị luật sư trẻ  nhiều đêm thức trắng với hồ sơ chứng cứ gỡ tội mong manh. “Nhiều lúc tôi tưởng chừng như muốn xuôi chiều cãi theo hướng giảm nhẹ. Thế nhưng, sự việc không chỉ dừng lại ở chỗ, nếu chị Chiến có tội thì đồng nghĩa với việc chị còn bị mất nhà, mất tiền. Như vậy Tiền bạc bao năm tích cóp để trở về quê lập nghiệp nay lại hai bàn tay trắng vào ngồi tù, bỏ lại mẹ già và đàn con nhỏ không nhà cửa, không nơi nương tựa… Tình cảnh này cứ ám ảnh vị luật sư làm ông nhiều đêm thức trắng lật từng trang hồ sơ vụ án để tìm sự thật.
 Với lập luận, nếu chị Chiến đến trả tiền cho ông Chủ tịch tại trụ sở Uỷ ban nhân dân vào cuối giờ làm việc, mọi người đã về hết, vậy có ai làm chứng cho việc chị Chiến giao tiền cho ông chủ tịch?Chẳng lẽ ông chủ tịch làm việc xong lại tự tắt đèn, khóa cửa…? Chắc chắn Uỷ ban phải có người bảo vệ! Nhưng người bảo vệ là ai, họ có nhìn thấy chị Chiến đưa tiền cho ông bảo vệ hay không? và họ có dám làm chứng chống lại ông chủ tịch không?
Đúng như suy nghĩ và lập luận của mình,  Luật sư đã tìm được nhân chứng duy nhất trong vụ án “trao tiền không văn tự” này: “bác bảo vệ tên Xoay, nguyên thương binh phục viên”, luật sư Chiến nhớ lại. Ngay sau đó, không quản ngại đường xá xa xôi và thời tiết mưa phùn lạnh giá, Luật sư đã từ Hà Nội tìm đến ngôi nhà của bác bảo vệ tại một làng héo lánh thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Sau khi nghe sự việc. Với chất lính “bộ đội cụ Hồ”  Bác bảo vệ Uỷ ban mộc mạc khẳng định: có, có… có nhìn thấy bà Chiến đưa bọc tiền cho ông chủ tịch. Và ông đã rất nhanh kể lại liền mạch sự việc chiều hôm đó ông ở lại ngồi cửa chờ ông chủ tịch xong việc để đóng cửa, ông đã trực tiếp chứng kiến sự việc chị Chiến trao tiền cho ông Chủ tịch bên trong diễn ra như thế nào. Những lời khai và bản tường trình sự việc của nhân chứng đã được lập đúng theo trình tự luật tố tụng. đồng thời người làm chứng này còn kiên định sẵn sàng làm chứng trước tòa để nói lên sự thật. “Như vậy, đã có manh mối chứng minh chị Chiến không có hành vi vu khống và nội dung kêu oan là hoàn toàn có cơ sở”.  
Gần một năm sau, tại phiên xử cuối cùng ở cấp phúc thẩm - TAND tỉnh Hà Tây đã thận trọng kiểm tra chứng cứ mới do luật sư xuất trình, thẩm tra kỹ lưỡng lời khai người làm chứng, đối chiếu lời khai kêu oan của bị cáo với lời chứng "có lý" và phù hợp với diễn biến sự việc, ông Thẩm phán Lê Quốc Hùng (nay là Phó chánh án TAND TP.Hà Nội) trực tiếp xét xử đã công tâm, thận trọng xem xét toàn diện vụ án. Sau thời gian dài nghị án, thay mặt HĐXX, ông Hùng đã tuyên bố bà Chiến không phạm tội “vu khống”.
Vụ án khép lại, nhưng ít ai biết rằng, để bảo vệ cho thân chủ của mình, ông đã dành hết tâm huyết và tình yêu công lý cho những phận đời đơn độc, yếu thế trong xã hội. Ông đã không quản ngại vất vả thu thập chứng cứ, dũng cảm đến cùng minh oan cho thân chủ. Nhân chứng trong vụ án đã bị "thế lực đen" khống chế, bị đe dọa “đày đi Dốc Cun ở Hòa Bình, đóng đinh thuyền vào đầu” để buộc nhân chứng thay đổi lời khai. Tuy nhiên, tinh thần can đảm và lòng quả cảm của người “lính Cụ Hồ” đã được rèn luyện qua cuộc kháng chiến, đã từng vào sinh ra tử, bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường nên bất chấp lời đe dọa, mua chuộc, ông kiên định chỉ nói ra sự thật, nên vụ án mới được làm sáng tỏ, thân phận một con người mới được minh oan.

Là một luật sư mới vào nghề, khi vụ án oan được sáng tỏ, ông thấy niềm vui, hạnh phúc khó tả. Tuy nhiên, “không có thành công nào mà đường đi của nó lại chỉ có hoa hồng, thảm đỏ”, mà bất cứ thành công nào cũng có những vất vả chông gai. Luật sư Chiến tâm sự: “Thực ra, không phải ngay từ đầu đã gặt hái được những kết quả đáng mừng này. Giai đoạn đầu bắt tay vào nghề có nhiều cái bỡ ngỡ, thậm chí có khi chán nản bởi, nhiều vụ án thực tế xét xử không như lý luận ở trường đại học. Quan điểm bào chữa của luật sư thường không được chấp nhận. Từ thực tế đó, là một sinh viên được đào tạo về luật quốc tế bài bản, tôi quyết tâm nghiên cứu thêm các tài liệu nước ngoài, các vụ án minh oan nổi tiếng thế giới… “Tôi nhận thấy, tỷ lệ án oan sai ở nước nào cũng vậy, vẫn có nhưng rất ít và không phải luật sư cứ bào chữa là sẽ được tòa chấp nhận. Thực tế này là một sự động viên tinh  thần, giúp mình có lòng kiên trì, tạo niềm tin cho quá trình làm việc sau này”.

Từ thành công đầu tiên này, ông đã rút ra những kinh nghiệm, bài học cho hoạt động hành nghề của luật sư. Tiếp nối thành công trong vụ án của bà Chiến là hàng loạt những vụ án lớn sau đó được ông vận dụng các chính sách khoan hồng của nhà nước, khai thác tình tiết giảm nhẹ trong hồ sơ để bào chữa giảm nhẹ và minh oan cho các bị cáo. Trong đó phải kể đến vụ án “:đường dây 500 KVA” xét xử vị Bộ trưởng Việt Nam đầu tiên ra tòa. Thậm chí nhiều vụ án, ông đã giúp cho bị cáo thoát khỏi án tử hình.
Kể lại vụ án này, ông suy tư “đây là vụ án thương tâm do hung thủ có tiền sử bị bệnh thần kinh”. Chuyện là, hai hàng xóm mâu thuẫn nhau. Một hôm, “nạn nhân” đang ngồi giặt quần áo, can phạm xuống đâm nhiều nhát khiến nạn nhân chết tại chỗ. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo khai bị kích động về mặt tinh thần do bên kia thường xuyên chửi đổng, ngày đêm lăng mạ xúc phạm, thậm chí còn thâu băng lời chửi để phát bên của sổ, quay sang nhà bị cáo. Là người có sẵn bệnh thần kinh, bị cáo ức chế bởi những lời chửi cứ ám ảnh bị cáo hàng ngày. Bị cáo đã không chịu nổi nên dùng dao đâm chết người hàng xóm “khủng bố” tinh thần kia. Cũng trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo trình bày nguyên nhân của hành động dã man kia chính là do bị nan nhân kích động tinh thần nhưng không có căn cứ thuyết phục. Tòa án đã tuyên án tử hình đối với bị cáo về tội giết người.
Khi tiếp nhận vụ án, Luật sư Chiến đã cần mẫn nghiên cứu hồ sơ, không bỏ qua chi tiết nhỏ nào. “Không phải tự nhiên mà bị cáo bịa ra nguyên nhân để chối tội”. Tại sao bị cáo khai lúc nào cũng nghe văng vẳng bên tai lời chửi của nạn nhân? Nếu không phải là sự thật, thì chỉ có người mắc bệnh hoang tưởng, tâm thần!!! Suy nghĩ này nảy trong đầu luật sư, vận dụng kiến thức đã học, người mắc bệnh tâm thần có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS), thậm chí có trường hợp không phải chịu TNHS. Ông đã gặp gỡ tiếp xúc với bị cáo nhiều lần trong trại giam. Nhận thấy tinh thần bị cáo không bình thường, khả năng thần kinh không ổn định. Để tìm câu trả lời cho những suy luận này, luật sư Chiến đã gặp gỡ gia đình bị cáo để tìm hiểu xem bị cáo có tiền sử bị tâm thần hay không?. “Qua điều tra xác minh, tôi được gia đình bị cáo cung cấp tài liệu trước đây bị cáo đã nằm điều trị tại khoa tâm thần (T4), bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, trong gia đình bị cáo  có người chú ruột chết vì bệnh tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Châu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội). Tiếp tục tìm hiểu thêm về tính di truyền cúa bênh này qua các bác sĩ, luật sư Chiến cho biết, khoa học chứng minh, các bệnh về tâm thần có yếu tố di truyền cũng như bản thân bị cáo có tiền sử bị tâm thần.

Như vậy, đã có căn cứ để luật sư kiến nghị với Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, đề nghị cho bị cáo đi giám định tâm thần. Với bằng chứng cụ thể và phân tích, lập luận sắc bén phù hợp với quy định của pháp luật, kiến nghị của luật sư được HĐXX chấp nhận hoãn phiên tòa và ra Quyết định trưng cầu giám định bệnh tâm thần đối với bị cáo. Bị cáo đã được đưa đi giám định bệnh tâm thần. Sau 6 tháng theo dõi tại Bệnh viện Tâm thần Thường Tín, Hội đồng giám định y khoa đã xác nhận bị cáo bị một loại bệnh tâm thần. Theo quy định của pháp luật, đối với loại bệnh tâm thần này bị cáo được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Hội đồng xét xử đã sửa án sơ thẩm tuyên bị cáo không phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Tương tự như vụ án bào chữa giảm án tù từ hình, luật sư chiến đã bào chữa nhiều vụ án hai gia đình bị cáo và nạn nhân đã chia xẻ, thông cảm với nhau, bù đắp tổn thất và gia đình bị hại lại xin cho bị cáo, kết quả bị cáo được thoát tội “chết”.
Nhớ lại một vụ án oan sai tiêu tốn nhiều thời gian và trí lực là của mình, ông kể, đó là vụ án Trần Văn Tân, nguyên Giám đốc Cty TNHH Đông Nam Á - Nam Định bị khởi tố và truy tố hai tội: "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".. Vụ án gây mệt mỏi tinh thần không phải bởi độ khó trong quá trình chứng minh án oan sai mà bởi chính thân chủ của ông cũng muốn buông xuôi.

Vụ án kéo dài gần 3 năm, hồ sơ trả đi trả lại; công ty bị tố cáo lâm vào tình trạng phá sản; mẹ già và anh chị em bị cáo cũng chán nản, bỏ cuộc; vợ bị cáo không chịu nổi áp lực, bỏ đi Ba Lan trong khi đó, luật sư bào chữa bị cản trở, hai gia đoạn tố tụng điều tra và truy tố luật sư không được tạo điều kiện tham gia. Đến giai đoạn hồ sơ chuyển sang Tòa án, luật sư được nghiên cứu hồ sơ và gặp bị cáo, bản thân bị cáo cũng tỏ ra hoang mang, tuyệt vọng, nhiều lúc buông xuôi mọi chuyện.
Trong lúc tinh thần cả nhà bị cáo hoang mang, với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp và với sự tận tâm của mình, chính Luật sư Nguyễn Chiến là người vào thăm nom, động viên thân chủ không được gục ngã, để họ đủ niềm tin đòi lại công lý. Bằng sự quyết tâm, khát khao tìm lại công lý cho thân chủ. Suốt mấy năm ròng, Luật sư Nguyễn Văn Chiến đã gắn bó với con đường quen thuộc từ Hà Nội lên Phú Thọ. “Có đêm xe bị đứt xích, đường vắng tanh, không tìm được sự cứu trợ nào, tôi đã phải gõ cửa nhà dân, mượn đèn dầu, lọ mọ tự nối xích rồi đi tiếp”, luật sư Chiến nhớ lại một tình huống chớ trêu trong quá trình đi tìm công lý cho vụ án.
Kết quả của những ngày tháng lặn lội đi “tìm lẽ công bằng” của vị luật sư tâm huyết cuối cùng cũng được đền đáp. Nhớ lại giây phút “bị cáo Trần Văn Tân bần thần, lặng người đi rồi òa khóc nức nở khi nghe tòa Phúc thẩm tuyên bố không phạm tội” luật sư Chiến còn dưng dưng xúc động. “Một lúc sau, bị cáo hỏi tôi để kiểm tra lại xem mình có nghe nhầm không. Ba năm sống trong tuyệt vọng, mất hết tài sản, mất cả người bạn đời, anh không tin là còn có ngày hôm nay. Nước mắt nhạt nhòa, anh mượn điện thoại của tôi, gọi về thông báo cho gia đình”, ông Chiến  nhớ lại.

Nói về nguyên nhân dẫn đến oan sai trong vụ án này, luật sư Chiến khẳng định, doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng khó khăn chưa trả được nợ, liền bị chủ nợ tố cáo đến Công an. CQĐT chỉ căn cứ vào việc có vay, có nhận tiền, chưa trả được nợ, rồi bị tố cáo để khởi tố vụ án và kết luận lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thực tế, để xem xét trách nhiệm hình sự của hành vi vay và chưa trả được nợ lại không thuần túy ở việc có vay, có nhận tiền, có chuyện chưa trả nợ, mà còn phải xem xét các  yếu tố khác như mục đích vay, sử dụng nguồn tiền như thế nào, có yếu tố chiếm đoạt hay không?

Khi tham gia bào chữa những vụ án này “tôi đã đề nghị xem xét cả các yếu tố về mặt chủ quan của can phạm, như mục đích sử dụng tiền vay, lộ trình đồng tiền chạy vào đâu, sổ sách ghi nhận như thế nào… Số tiền vay được đưa vào kinh doanh, có hạch toán, sổ sách rõ ràng chứ không bỏ túi, chiếm đoạt cá nhân nhưng CQĐT lại kết tội chiếm đoạt là không thỏa đáng, và tôi đã chứng minh yếu tố cấu thành tội này, bị cáo không có mục đích chiếm đoạt cá nhân là dấu hiệu bắt buộc”, ông nói.
Tiếp tục câu chuyện về những vụ án “đi tìm công lý” bào chữa thành công, không cần mất thời gian lục lại chồng hồ sơ chất đống trong căn phòng rộng vài chục m2, luật sư Chiến nói ngay, vụ án ông bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình nạn nhân bị hai anh em bị cáo đâm chết vào đầu những năm 90. Trong vụ này, hai bị can thực hiện hành vi dùng dao nhọn đâm chết nạn nhân ở cửa hàng bán hạt giống rau tại huyện Từ Liêm. do mâu thuẫn trong việc tranh chỗ xếp hàng mua hạt rau. Người anh hô người em đâm chết nạn nhân. Kết quả điều tra, truy tố kết luận kẻ chủ mưu giết người đã ra lệnh cho người em thực hiện hành vi đâm chết nạn nhân nhưng người anh chỉ bị khởi tố và truy tố tội “gây rối trật tự công cộng” người em trực tiếp đâm chết nạn nhân bị truy tố tội “giết người”. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư Chiến thấy vô lý và thấy có điều khuất tất, lời khai của người làm chứng không làm sáng tỏ sự thật. Luật sư tìm hiểu sự việc tìm đến nơi cư trú của những người cùng mua hạt giống ra chứng kiến sự việc hôm đó. Có người chứng kiến toàn bộ sự việc có được cơ quan điều tra hỏi và họ đã khai rõ tình tiết người anh hô và ra lệnh cho người em đâm chết nạn nhân thì không được cán bộ điều tra ghi biên bản. những người khác cũng biết việc lại bỏ qua không lấy lời khai. Không ngại khó khăn, luật sư đã thực hiện quyền của mình và lấy lời khai của người làm chứng, hướng dẫn họ có mặt tại phiên tòa để cho lời khai về sự thật, diễn biến vụ án được sáng tỏ.

Qua quá trình xét hỏi làm rõ chứng cứ tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cho rút hồ sơ điều tra bổ sung. Sau một tháng điều tra bổ sung, Bản cáo trạng được thay đổi, tội danh của hai kẻ giết người được xác định đúng luật. Gia đình bị hại lúc này mới được gia đình các bị cáo đến xin lỗi và bồi thường thiệt hại, tổn thất về tinh thần. Bản án đúng người, đúng tội dành cho hai người. Gia đình bị cáo, bị hại đều thỏa mãn và tin tưởng vào sự công bằng, luật sư đã góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Một năm tỷ lệ án oan sai không lớn, mặc dù rất nhỏ nhưng nếu một người bị oan ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần bản thân, gia đình. Hệ lụy nó để lại khôn lường. Việc cãi "trắng án" cho thân chủ là vô cùng khó khăn và cũng rất hiếm hoi. Bởi khi xét xử một người phạm tội được tiến hành bởi 3 cơ quan tiến hành tố tụng, nên chứng minh "ngược lại" không đơn giản nhưng luật sư Chiến đã làm được, thậm chí đến gần chục vụ án như thế. Bằng những lập luận chắc chắn của mình, Luật sư Nguyễn Văn Chiến đã bổ sung vào hồ sơ cá nhân rất nhiều thành tích. Ông tâm sự: “Tôi đã minh oan cho nhiều số phận, đã cứu sống nhiều người thoát khỏi án tử hình, đây là hạnh phúc lớn nhất mà nghề mang lại. Vinh quang theo quan điểm của tôi là chân lý được làm sáng tỏ”!
 
Những trăn trở về nghề của vị Chủ nhiệm Đoàn luật sư

Thực tế hiện nay, tình trạng các vụ án có dấu hiệu oan sai lộ diện ngày càng nhiều. Là “cây đa, cây đề” trong ngành luật ông Chiến nhẹ nhàng nói lên quan điểm của mình về nguyên nhân dẫn đến những vụ án oan sai. “Nguyên nhân dẫn đến án oan sai thì nhiều, chủ quan có, khách quan có nhưng phần lớn là do yếu tố con người, việc thực thi pháp luật, cách hiểu luật khác nhau”. Về mặt tâm lý, các cơ quan tiến hành tố tụng có tâm lý “không có luật sư để rảnh tay hơn, đỡ phiền hà”. Vị thế, vai trò của luật sư chưa được các cơ quan này coi trọng, do đó, tiếng nói của luật sư không được lắng nghe. Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện chức năng bảo vệ công lý, được giao quyền năng và trách nhiệm thu thập cả chứng cứ buộc và chứng cứ gỡ tội để xử lý tội phạm, nhưng họ chỉ thường chú trọng đến việc thu thập chứng cứ buộc tội mà thường bỏ qua chứng cứ, tình tiết gỡ tội cho bị can. Nhiều trường hợp nếu không có người phản biện, luật sư tranh tụng thì dễ dẫn đến oan sai. Một lý do quan trọng nữa, theo quan điểm của luật sư Chiến là ngay từ giai đoạn đầu của vụ án, luật sư không được tham gia vào quá trình điều tra lấy lời khai của bị cáo làm cho nhiều vụ án đến giai đoạn cuối của quá trình xét xử, luật sư mới vào mới tìm được chứng cứ ngoại phạm và bị cáo được minh oan thì đã tốn kém nhiều tiền bạc của nhà nước và công sức của các cán bộ tư pháp và tiền của của người dân…
Luật sư là người thầy biện hộ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ và lẽ phải. Chỉ với những gì ông đã đóng góp cho sự phát triển của nền tư pháp nước nhà, ông xứng đáng được tôn vinh là bậc thầy trong nghề Luật. Tham gia giảng dạy từ khóa đầu tiên của Trường đào tạo các chức danh tư pháp (hiện nay là Học viện Tư pháp). Thời đó, không có giáo án, người đứng trên bục giảng phải tự thiết lập giáo án bằng chính kinh nghiệm trong quá trình hành nghề của mình. Những bài giảng của ông là bài học thực tiễn sâu sắc nhất, hơn bất kì những lý thuyết sách vở nào. Được biết, luật sư Chiến chính là người đề nghị khởi xướng “Quỹ đào tạo Luật sư tài năng” tại học viện Tư pháp, và bản thân luật sư đã mong muốn được trích một nửa số tiền giảng dạy để góp vào quỹ này.

Bên cạnh đó, ông còn có những ý kiến đóng góp quan trọng vào nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư; tham gia các cuộc phỏng vấn, giải đáp pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếng nói của luật sư đã góp phần giúp cho các nhà soạn thảo văn bản luật nhìn lại văn bản mà họ ban hành, đồng thời làm yên lòng dân. “Đăng ký xe qua nhiều chủ, thoáng nhưng không để hở”, “Phạt xe không chính chủ: cần phân biệt rõ trách nhiệm của hai chủ thể”… là những bài báo mang tính thời sự nóng hổi của ông – một luật sư tâm huyết với nghề, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đôi khi người ta vẫn gọi luật sư là “thầy cãi” và chức nghiệp của một luật sư không chỉ là tham gia tố tụng. Bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề này, ông nói  “xin đừng gọi các luật sư là thầy cãi, vì như thế là không đánh giá đúng vị thế cao quý của nghề luật sư trong xã hội. Người luật sư không thể chỉ đóng vai trò “thầy cãi” khi tranh tụng, mà còn là người tư vấn pháp luật cho thân chủ để góp phần bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm. Phân tích kỹ hơn về hoạt động của luật sư, ông khẳng đinh, nhìn ở phạm vi hành nghề, tố tụng đúng là lĩnh vực chủ yếu của các luật sư Việt Nam, với việc tham gia giải quyết hàng nghìn vụ án. Vai trò luật sư trong tố tụng đã có sự phát triển mạnh mẽ về chất, đảm bảo tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác… Nhưng không chỉ thế, đội ngũ luật sư còn hoạt động tư vấn pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Thực tế cho thấy, nhiều chủ doanh nghiệp thường chú trọng rủi ro kinh doanh, rủi ro thị trường mà quên đi hoặc  không có đủ khả năng để nhận diện các rủi ro pháp lý. Hậu quả là chủ doanh nghiệp không chỉ đối mặt với thiệt hại trong kinh doanh mà còn phải đối mặt với trách nhiệm dân sự, thậm chí cả hình sự hình thành từ việc bỏ ngỏ quản trị rủi ro pháp lý.

Trong hoạt động tố tụng, tiếng nói của luật sư còn ít được lắng nghe, vị thế của họ nhiều khi hữu danh vô thực, dẫn đến một số luật sư chán nản bỏ nghề hoặc tệ hơn, trở thành “cánh tay nối dài” của thẩm phán. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông,  phần lớn luật sư là những người tâm huyết với nghề, tôn trọng luật pháp, tận tâm với khách hàng, đồng thời luôn có ý thức bảo vệ pháp chế XHCN. Chuyện “cánh tay nối dài” hay nói thẳng ra là môi giới tiêu cực, “chạy án”, số này không nhiều. “Tôi tin rằng nếu đẩy mạnh cải cách tư pháp, đẩy mạnh tranh tụng, việc ra bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại tòa, chúng ta sẽ hạn chế được tiêu cực trong hoạt động xét xử, số luật sư là “cánh tay nối dài” của thẩm phán cũng teo tóp đi”, Ông  nói.

Hiện nay, với vai trò là người đứng đầu Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trực tiếp quản lý hơn 2.200 luật sư thành viên hoạt động tại gần 900 tổ chức hành nghề luật sư khác nhau, ông cho biết, ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp, người luật sư cần rèn luyện phẩm chất, đạo đức để thực sự tận tâm cống hiến cho cộng đồng xã hội. Nếu luật sư tham gia tố tụng chỉ ở vị trí là người tranh cãi ở Tòa án mà không quan tâm đến việc tham gia tố tụng tại Trọng tài, tư vấn pháp luật hay thực hiện các dịch vụ pháp lý khác là chưa đủ. Quan trọng hơn cả, người luật sư còn phải không ngừng thực hiện sứ mệnh quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ của đất nước trong giai đoạn đổi mới của đất nước hiện nay.  

 
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Ủy viên Ban thường vụ, Phó tổng thư kí Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Giám đốc Công ty Luật TNHH thực hành Luật Nguyễn Chiến. Với gần 30 năm kinh nghiệm hành nghề trong lĩnh vực tư vấn và tranh tụng Hình sự. Luật sư – Giám đốc Nguyễn Văn Chiến và đội ngũ luật sư của Công ty Luật Nguyễn Chiến đã trực tiếp bào chữa và tham gia tư vấn hàng ngàn vụ án, vụ việc đạt hiệu quả cao. Tại Việt Nam, đội ngũ luật sư của Luật Nguyễn Chiến là một trong số ít những sự lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn và tranh tụng Hình sự. Trong quá trình hành nghề luật sư, ông đã đạt được nhiều thành tích quan trọng: Kỷ niệm chương và Bảng vàng chứng nhận tôn vinh nhân tố mời thời đại Hồ Chí Minh do Ban tuyên giáo Trung ương xét tặng năm 2013.  2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp tặng “Vì sự nghiệp bảo vệ công lý và có thành tích xây dựng LĐLSVN”. 2 bằng khen của Liên đoàn LSVN “Vì có thành tích trong công tác bổ trợ tư pháp và hoạt động hành nghề luật sư”.  Kỷ niệm chương: Tôn vinh 10 năm liên tục giảng dạy, đào tạo đội ngũ luật sư và các chức danh tư pháp tại Học Viện tư pháp (Bộ tư pháp)…
 

Nguồn tin: Nguyễn Lan