Gia Lộc (Hải Dương): Hơn chục năm hầu tòa vì một căn cứ trái luật
- Thứ tư - 18/09/2013 18:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Khâu giám định tư pháp đang tắc vô cùng, các ngành đã gắng rồi nhưng nó vẫn dở dở ương ương”. Nhận định trên đây của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính T.Ư tại buổi làm việc với TAND Tối cao ngày 11/9 vừa qua, gần như được minh chứng rõ nét hơn qua vụ việc cụ bà 88 tuổi (ở Thanh Xá, Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương), phải liên tục chống gậy đến tòa vì một căn cứ trái luật.
Cụ bà 88 tuổi, Nguyễn Thị Chốc nói rằng, hơn chục năm qua cụ phải liên tục chống gậy đến tòa án địa phương trong tư cách bị đơn. Nguyên đơn khởi kiện, đưa bà Chốc ra tòa, là chị Phạm Thị Tim - người phụ nữ “nguyên là con dâu” của bà.
Lau nước mắt trên gò má nhăn nheo, bà Chốc kể với chúng tôi, vợ chồng bà có 4 người con trai, 2 người con gái, sinh sống trên mảnh đất của ông bà để lại tại thôn Thanh Xá. Năm 1976, anh Đào Văn Minh, con thứ của bà kết hôn với chị Phạm Thị Tim, nhà ở Lễ Quán, Thạch Khôi, Gia Lộc. Đám cưới xong xuôi, bà Chốc bỏ tiền xây căn nhà cấp 4, trên mảnh đất mà gia đình đang sinh sống cho vợ chồng anh Minh ở, trông coi.
Năm 1978, anh Minh có giấy gọi nhập ngũ, vào chiến trường và hy sinh năm 1980. Giấy báo tử được đơn vị chính thức gửi về gia đình năm 1983. Chị Tim ở với bố mẹ chồng đến năm 1988 thì cắt khẩu đưa con về quê ngoại ở Lễ Quán và được chính quyền nơi đây cấp đất làm nhà ổn định cuộc sống.
Tròn 12 năm sau khi chuyển khẩu rời khỏi nhà chồng, chị Phạm Thị Tim bất chợt quay về, đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số A404709 (có căn nhà cấp 4 mà bà Chốc xây cho vợ chồng chị lúc vừa xong đám cưới - PV) làm căn cứ để kiện đòi đất. Mảnh đất có căn nhà cấp 4 nói trên lúc bấy giờ đã được bà Chốc giao cho người con trai cả là Đào Trung Mô trông coi, sử dụng. Kể từ đây, mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Chốc cùng người con trai cả (thương binh 1/4) là anh Đào Trung Mô bắt đầu quá trình hàng chục năm - kẻ chống gậy, người tập tễnh đến tòa án mỗi khi nhận được giấy triệu tập.
Việc hầu tòa của 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Chốc chỉ “thưa dần” khi tòa án địa phương “bất ngờ” biết được GCNQSDĐ mà chị Phạm Thị Tim đưa ra làm chứng cứ khởi kiện tại tòa là GCNQSDĐ trái luật.
Theo Công văn số 35/CV-TNMT của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Gia Lộc gửi TAND huyện Gia Lộc: UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) cấp GCNQSDĐ cho ông Đào Văn Minh (chồng bà Tim) là trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, nội dung về hình thể, kích thước, số tờ, số thửa, số diện tích trên GCNQSDĐ không đúng với danh sách các hộ gia đình xin cấp GCNQSDĐ do Hội đồng xét duyệt cấp GCNQSDĐ xã Liên Hồng lập và đề nghị UBND tỉnh Hải Hưng cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân của xã Liên Hồng. Từ những sai sót trên, Phòng TN&MT huyện Gia Lộc nhận thấy GCNQSDD số A404709, số thửa vào sổ 55 mang tên ông Đào Văn Minh cần được làm các thủ tục thu hồi và hủy bỏ theo quy định của pháp luật.
“Đất đai là của bố mẹ tôi, chưa chia và tách cho bất cứ con nào. Tại sao cô Tim lại có GCNQSDĐ đưa ra làm “chứng cứ” tại tòa khiến cả nhà tôi lao đao? Tại sao sau rất nhiều năm với rất nhiều lần triệu tập mẹ con tôi đến tòa, tòa án đều coi GCNQSDĐ ấy là căn cứ xét xử để mãi sau này mới biết nó là trái luật?”, anh Đào Trung Mô bức xúc.
Theo lời bà Nguyễn Thị Chốc thì mẹ con bà đã có hơn chục năm hầu tòa oan. Nỗi oan của bà tại thời điểm này vẫn chưa có địa chỉ cụ thể nào đứng ra nhận trách nhiệm. Không phải là vụ việc to tát, nhưng chuyện cụ bà 88 tuổi phải nhiều lần chống gậy trong tư cách bị đơn đến tòa vì một căn cứ trái luật, phần nào phản ánh tính nghiêm túc, chân tình và nhiều ý nghĩa trong ý kiến của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh tại phiên Thảo luận ở Quốc hội về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật Tiếp Công dân tại phiên họp sáng 16/9/2013: “Chúng tôi có niềm tin 80% bà con đến trụ sở tiếp dân T.Ư là có oan ức, nên vẫn phải tiếp nhận đơn và cần thêm thời gian để tìm hiểu, xem xét lại”.