"Nguyên Bộ trưởng Nội vụ nghe điều này chắc cũng buồn lắm"

Không hài lòng với nhận định của Chủ nhiệm UBTP về chuyện lạm quyền, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói, từ năm 2007 đến nay mới chỉ có 2 người bị khởi tố liên quan đến công chứng. Ngay cả nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ vẫn đang là một công chứng viên.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn trao đổi tại kỳ họp QH khóa 12. Ảnh VNN
Nêu ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng vào chiều 18/9, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện vẫn còn băn khoăn với nhiều quy định ban soạn thảo đưa ra.

Ông Hiện cho rằng, việc sửa luật theo hướng mở rộng thẩm quyền cho công chứng viên là một vấn đề rất mới, cần đánh giá tác động xã hội về vấn đề này. 

"Có người khen mở rộng như vậy là rất tốt. Nhưng ngược lại, Bộ Công an thì nói cần hết sức thận trọng, đặc biệt không nên giao quá nhiều việc cho công chứng viên, bởi dễ dẫn đến sự lạm quyền" - ông Hiện nói.

Trước thực tế đó, Chủ nhiệm UBTP thể hiện mong muốn được nghe ý kiến của Bộ Công an về dự án này.

Tỏ ra không hài lòng với một vài nhận định vừa nêu, đại diện ban soạn thảo dự án Luật công chứng sửa đổi – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cho biết, về nội dung giao cho công chứng viên nhiều việc, chẳng có gì cần phải làm rõ thêm cả.

Bộ trưởng Cường lý giải, từ năm 1987 bắt đầu phát triển theo cơ chế thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị thành lập phòng công chứng nhà nước. Đến năm 2006 khi có Luật công chứng thì bộ phận này tách hẳn ra. Năm 2007 khi luật có hiệu lực, cả nước chỉ có 84 phòng công chứng. Đến giờ đã có 704 văn phòng công chứng rồi.

Tuy nhiên thời điểm đó có xảy ra tình trạng người dân phải chờ đợi làm công chứng rất vất vả, dẫn đến “cò” công chứng xuất hiện… Rồi mới đây Quốc hội lại yêu cầu tách ra chứ không giao thêm một cái gì cho công chứng viên cả.

Liên quan đến vấn đề lạm quyền, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, từ năm 2007 đến nay mới chỉ có 2 vụ án xét xử liên quan đến công chứng thôi. Nếu nói lạm quyền dễ gây bức xúc trong dư luận, bởi dễ bị hiểu lầm là công chứng viên hỏng hết cả.

“Đồng chí Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ đang làm công chứng viên, nếu nghe điều này thì chắc cũng buồn lắm” – Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Về ý kiến không nên giao cho công chứng viên thực hiện nhiệm vụ khác, theo Bộ trưởng Cường, bộ phận công chứng hiện đang 2, 3, 4 trong 1, và không có cái gì trái với pháp luật hiện hành về vấn đề này. Mặt khác văn phòng công chứng do Bộ trưởng bổ nhiệm hẳn hoi. Vì thế Bộ trưởng Cường cho rằng, nên tiếp cận theo hướng này để giảm thủ tục, phiền hà cho dân, chứ không trái gì với luật pháp.

Để nâng cao trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, tới đây nên thành lập hội công chứng, và công chứng viên buộc phải tham gia vào hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển, cần phải quy định công chứng viên sẽ là người thay mặt cho nhà nước để xác định tính hợp pháp, chứ không chỉ đơn thuần là người đứng ở giữa chứng nhận.

Đối với tiêu chuẩn về độ tuổi công chứng viên, luật sửa đổi quy định giới hạn ở mức 65 tuổi. Ông Hiển đề nghị cần phải cân nhắc với quy định này. Bởi khi đã xã hội hóa, người lao động có thể làm tới 70 – 80 tuổi. Thậm chí người ta càng nhiều tuổi càng có kinh nghiệm, vì thế không nên khống chế mức 65 tuổi đối với công chứng viên.

Về quan điểm có nên giao thêm nhiệm vụ cho công chứng viên không, theo ông Hiển nếu làm được cũng tốt. Nếu công chứng viên giải quyết nhanh thì càng tiết kiệm thời giờ, miễn là phải làm đúng luật.

Tuy nhiên với quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm với bản dịch, chủ nhiệm đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, bởi có rất nhiều ngoại ngữ, gắn cho công chứng yêu cầu này thì không khả thi, dẫn đến bị liên đới trách nhiệm.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nếu giao quyền cho công chứng viên thêm một số nội dung trên cơ sở đảm bảo luật pháp, mà tạo điều kiện cho dân thì cũng chấp nhận được.

Cuối buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và UBTVQH thống nhất trình dự thảo Luật công chứng sửa đổi ra Quốc hội trong kỳ họp tới.

 

Nguồn tin: infonet.vn