Bị chấm dứt hợp đồng trước hạn, người lao động được hưởng chế độ như thế nào?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng _ Trưởng văn phòng luật sư Kết nối

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng _ Trưởng văn phòng luật sư Kết nối

“Công ty của tôi đã ký hợp đồng 12 tháng với tôi đến hết tháng 9.2014, nhưng vì lý do không sắp xếp được công việc phù hợp với kế hoạch năm 2014, công ty đã thông báo kết thúc hợp đồng trước hạn vào tháng 31/1. Trong trường hợp kết thúc hợp đồng trước hạn, công ty có những trách nhiệm gì với tôi ngoài tiền lương và bảo hiểm trong 1 tháng trước khi chính thức kết thúc hợp đồng?”.
Trên đây là câu hỏi của bạn đọc Đăng Phương gửi về Tạp chí Pháp lý điện tử trong dịp đầu xuân mới. Bạn Phương cho biết, do đặc thù công việc, thu nhập của mình bao gồm lương cứng  và định mức sản phẩm. Trong trường hợp này,  nếu chi tiền hỗ trợ người lao động bị kết thúc hợp đồng trước hạn, công ty phải căn cứ vào đâu để xác định số tiền hỗ trợ? Tôi kết thúc hợp đồng vào ngày 31/1 tức 1/1 âm lịch, vậy trong trường hợp này, tôi có được nhận tiền thưởng Tết như các nhân viên không kết thúc hợp đồng?
Trước những câu hỏi của bạn, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Kết nối) cho biết, trong trường hợp này của bạn sẽ có 02 khả năng xảy ra, đó là: chấm dứt hợp đồng lao động theo điều 38 Bộ luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo điều 44 Bộ luật lao động
Thứ nhất: Về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động
Mặc dù Người sử dụng lao động thông báo trước 30 ngày (Đối với hợp đồng xác định thời hạn) nhưng căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động lại không phù hợp với quy định tại Điều 38. Trong trường hợp này bạn có thể yêu cầu DN nhận lại làm việc hoặc khởi kiện ra tòa.
Nếu các bên đồng ý với việc chấm dứt này thì bạn chỉ được tính tiền trợ cấp thôi việc theo điều 48 Bộ Luật lao động
Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Thứ hai: Trong trường hợp DN vì lý do không sắp xếp được công việc theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động, mức trợ cấp sẽ được tính theo điều 49 Bộ luật lao động.
Điều 49. Trợ cấp mất việc làm
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Tiền lương được quy định tại điều 90 BLLĐ, như vậy tất cả các khoản thu của bạn trong tháng đều được tính là tiền lương và cũng là căn cứ xác định mức thu nhập để tính trợ cấp.
Điều 90. Tiền lương
1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
 Đối vấn đề tiền thưởng được quy định tại điều 103 Bộ luật lao động, việc thưởng cho bạn hay không phụ thuộc vào nội quy, quy chế của Doanh nghiệp.
Điều 103. Tiền thưởng
1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Tác giả bài viết: Hà Văn Anh

Nguồn tin: phaply.vn