BS.TS. Trần Tuấn
Được biết, ba máy xét nghiệm (một máy xét nghiệm sinh hoá, một máy xét nghiệm huyết học và một máy xét nghiệm nước tiểu) được cán bộ y tế ở đây sử dụng vào mục đích cho ra các kết quả giả mạo là những thiết bị được huy động theo hình thức xã hội hoá.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, ba máy xét nghiệm này được doanh nghiệp cho bệnh viện này mượn không tính phí. Việc doanh nghiệp cho mượn ba máy xét nghiệm "vô tư" khiến nhiều người nghĩ ngay đến hình thức "đi đêm" giữa doanh nghiệp với bệnh viện. Thực tế, bệnh viện đa khoa Hoài Đức đã sử dụng ba máy xét nghiệm này để khám chữa bệnh mang nặng tính dịch vụ, tạo một vỏ bọc để làm giả kết quả nhằm thu lợi.
Trước việc làm sai trái trên, nhiều người tự đặt ra câu hỏi: Việc xã hội hoá công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện công phải chăng là vỏ bọc che đậy cho doanh nghiệp và bệnh viện "đi đêm" với nhau, từ đó phát sinh nhiều sai phạm trong công tác khám chữa bệnh?
Theo nhiều chuyên gia, đây là vấn đề nhức nhối của ngành y tế hiện nay. Ngay bản tổng kết cuối năm 2012, bản thân bộ Y tế thừa nhận rằng, sau vài năm thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, bên cạnh mặt tích cực thì những hạn chế đang bộc lộ rõ nét.
Cụ thể, lĩnh vực y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, y học cổ truyền, rất khó thu hút nguồn xã hội hóa và không dễ để mời doanh nghiệp vào liên kết đầu tư máy móc, trang thiết bị. Bởi trên thực tế, lợi nhuận từ mảng hoạt động này của ngành y tế là tương đối thấp. Ngược lại, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực y tế lại đua nhau đầu tư máy móc xã hội hóa vào các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm nhằm nhanh chóng thu lợi nhuận. Thậm chí, họ cho rằng đây là "mảnh đất màu mỡ" để gieo "quả ngọt" và "gặt" nhiều tiền của người dân.
Thông thường, mỗi doanh nghiệp khi đầu tư vào bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Nếu không có lợi nhuận, chưa chắc doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư. Điều đáng nói ở đây là công tác quản lý thiết bị tại các bệnh viện công. Làm sao để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng uy tín của bệnh viện công để trục lợi thông qua việc xã hội hoá công tác khám chữa bệnh.
Qua tìm hiểu, tại các bệnh viện công có uy tín ở Việt Nam hiện nay, công tác xã hội hoá khám chữa bệnh ngày càng phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Nhiều máy móc, thiết bị siêu âm, xét nghiệm được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp. Vì xã hội hóa nên gần như tất cả các dịch vụ chụp, chiếu, soi, siêu âm... giá tiền đều cao hơn giá bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Số tiền chênh lệch trên, người bệnh trực tiếp phải chi trả. Trong khi nguồn lợi mang đến cho doanh nghiệp được đặt máy tại mỗi bệnh viện như thế này không phải nhỏ. Cũng không loại trừ trường hợp có sự "ăn chia" tiền của doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị với bệnh viện.
Nhận thức lệch lạc cần có sự điều chỉnh
Không còn chuyện cá biệt Theo một chuyên gia bảo hiểm (xin được ẩn tên), thì tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, chỉ định cho người bệnh làm nhiều xét nghiệm như trường hợp trên không phải là cá biệt, ngược lại, nó diễn ra rất phổ biến. Hậu vụ "nhân bản" phiếu xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức, người ta đã phát hiện ra đủ các chiêu "móc" quỹ bảo hiểm y tế. Cơ quan BHXH đã đi kiểm tra và phát hiện, tại nhiều địa phương, chi phí xét nghiệm đang có xu hướng tăng. Có nơi tổng chi phí xét nghiệm trước đó 20 - 25% giờ tăng lên 30 - 40%. Những xét nghiệm này có hợp lý, cần với tất cả các bệnh nhân không là cả vấn đề phức tạp. "Tỉnh Đồng Nai, sử dụng MRI (cộng hưởng từ) phổ thông như chụp X-quang thông thường rất lạm dụng. Người bệnh chỉ với triệu chứng đau bụng, đau họng, sau khi khám lâm sàng cũng được bác sĩ chỉ định chụp MRI, trong khi đó, đây là một kỹ thuật cao, với mức tiền BHYT thanh toán lên đến 2,5 triệu/lần" - vị cán bộ BHXH bức xúc. |
Liên quan đến vấn đề này, PVNgười Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với BS.TS. Trần Tuấn, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD). BS. TS. Trần Tuấn chia sẻ: "Từ góc nhìn của một người nghiên cứu độc lập, tôi cho rằng, mục đích của xã hội hóa công tác khám chữa bệnh nhằm huy động nguồn lực tiềm tàng trong xã hội tham gia tích cực vào công tác khám chữa bệnh, một lĩnh vực mà chúng ta phải thừa nhận nếu chỉ dựa vào thực lực của hệ thống y tế công thì không thể nào đáp ứng tốt theo yêu cầu thực tế cuộc sống. Nguồn lực ở đây cần được hiểu không phải chỉ có tiền, mà cả công nghệ, tri thức, chất xám có trong dân. Cũng cần hiểu, khi đã nói xã hội hóa công tác khám chữa bệnh, tức là phải làm sao đưa thêm các thành phần khác tham gia vào tiến trình chăm sóc sức khỏe nói chung và hoạt động khám chữa bệnh nói riêng, để chia sẻ và giảm nhẹ gánh nặng khám chữa bệnh mà hệ thống các cơ sở y tế công phải gánh chịu (nếu không thực hiện xã hội hóa)".
Mục tiêu xã hội hóa y tế là tạo ra một thị trường khám chữa bệnh mới, có sự tồn tại bình đẳng của 3 chủ thể cung cấp dịch vụ y tế trong một đất nước có nền kinh tế thị trường: Y tế công, y tế tư và y tế phi lợi nhuận (dịch vụ khám chữa bệnh do các tổ chức từ thiện vận hành theo tôn chỉ phi lợi nhuận, hoặc do các tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập thực hiện cho mục tiêu phát triển cộng đồng).
Mục tiêu thứ hai cần đạt là phát huy tối đa khả năng tự chăm sóc sức khỏe trong dân, đưa người bệnh, gia đình người bệnh và các thành phần khác trong cộng đồng tham gia vào tiến trình khám chữa bệnh, phục hồi chức năng người bệnh. Do đó, nếu thực hiện xã hội hóa công tác khám chữa bệnh chỉ để thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế công, mà biểu hiện phổ biến là để tư nhân (hoặc quyên góp vốn từ cán bộ công nhân viên cơ sở y tế công) đầu tư trang thiết bị máy móc xét nghiệm, công nghệ chẩn đoán hình ảnh, thiết lập khu điều trị kỹ thuật cao, dịch vụ điều trị theo yêu cầu... rồi cùng chia lợi nhuận từ dịch vụ tạo ra, thì tôi nghĩ, mục đích của "xã hội hóa công tác khám chữa bệnh" đã được hiểu lệch sang "góp vốn xã hội" để đáp ứng nhu cầu nhanh chóng tạo ra một số dịch vụ chọn lọc. Tất nhiên, cách làm này cũng đưa lại một số lợi ích, thậm chí, thay đổi nhanh chóng bộ mặt của cơ sở khám chữa bệnh và tăng chỉ số hấp dẫn người bệnh.
Để xã hội hóa y tế tốt lên, ông Tuấn cho rằng: "Cần tạo ra một môi trường thảo luận công khai trong ngành y về vấn đề xã hội hóa công tác y tế nói chung và công tác khám chữa bệnh nói riêng. Nhận thức lệch lạc thì phải điều chỉnh lại nhận thức, đổi mới lại nhận thức trong toàn ngành, nhất là trong đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống và các cơ sở trực tiếp cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Song song với việc điều chỉnh nhận thức là việc phát triển đề án thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc y tế (bao gồm cả công tác y tế dự phòng và công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng), trong đó, tối thiểu cần có hai mục tiêu tôi đã nêu trên".
Công tư lẫn lộn, tận thu tiền của dân? BS. TS. Trần Tuấn khẳng định: "Coi "xã hội hóa" như là hình thức đẩy mạnh "góp vốn xã hội" cho y tế công, sẽ đưa lại một thị trường khám chữa bệnh phình to các cơ sở công-tư lẫn lộn, với đặc điểm nổi bật là tập trung vào đổi mới hạ tầng cơ sở và các trang thiết bị dễ dàng hấp dẫn thu tiền được của người dân. Rõ ràng, đó sẽ là các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các khu điều trị áp dụng các kỹ thuật điều trị mới... Hệ thống khám chữa bệnh công dường như trở thành một thị trường kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh đơn thuần cho các nhà đầu tư ngắn hạn". |
xã hội, hoá công, phải chăng, che đậy, doanh nghiệp, phát sinh, công tác
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc