Mẫu điện thoại E79 của Viettel
Theo ông Xuân thì hầu hết nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam đều phải nhập khẩu dưới dạng mặt hàng chịu thuế. Trong đó, nhiều linh kiện quan trọng mà trong nước chưa tự sản xuất được nhưng vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu cao, như: mô tơ rung cho điện thoại (25%), pin điện thoại (20%), các đầu nối (15%), khối micro cho điện thoại (15%)…
“Mức thuế nói trên khiến sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá thành cao hơn so với các sảm phẩm cùng loại nhập nguyên chiếc từ nước ngoài” – văn bản do tổng giám đốc Viettel ký, nói rõ.
Ông Xuân dẫn ra biểu thuế ưu đãi ban hành kèm thông tư số 193/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, quy định thuế suất nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc là 0%, trong khi thuế suất nhập khẩu linh kiện phục vụ cho ngành sản xuất trong nước lại ở mức cao đến 25%, “khiến Viettel khó đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.
Theo điều tra thị trường, năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 17 triệu điện thoại các loại, chiếm hơn 70% nhu cầu của thị trường trong nước. “Với mức ưu đãi thuế như quy định, thì chắc chắn Viettel dù rất nỗ lực nghiên cứu sản xuất cũng đang chịu bất lợi trong cạnh tranh”, văn bản của Viettel phàn nàn.
“Tủi” với Samsung
Không chỉ “thiệt thòi” so với điện thoại nhập, theo Viettel, ngay các hãng nước ngoài sản xuất điện thoại tại Việt Nam cũng được miễn thuế nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ, “điển hình như Công ty Samsung Electronics Vietnam (SEV)”.
Tập đoàn nhà nước dẫn công văn số 1016/VPCP-QHQT ngày 13/2/2010, cho thấy, SEV được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong vòng 5 năm cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa. Tiếp đó, vào tháng 9/2012, SEV lại được chuyển sang hình thức doanh nghiệp chế xuất với mức ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam về thuế thu nhập doanh nghiệp và rất nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…
“Như vậy, so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ, trong khi phải đối đầu với rất nhiều thách thức. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước như Viettel đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ban, ngành để phát triển lĩnh vực sản xuất điện thoại di động”, văn bản của Trung tướng Hoàng Anh Xuân kết luận.
Xin miễn thuế nhập khẩu 5 năm
Với các lý do như vậy, Viettel kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ nguyên liệu, vật tư và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa cho Công ty Mẹ - Viettel và các công ty con do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ. Thời gian xin miễn thuế là 5 năm, kể từ năm 2013 đến hết năm 2017.
Đồng thời, xin áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi 10% cho thu nhập từ việc bán sản phẩm điện thoại di động do Viettel sản xuất, lắp ráp trong nước.
Sản xuất thiết bị là 1 trong 4 trụ quan trọng trong chiến lược phát triển của Viettel. Nhiệm vụ chính nhằm làm chủ công nghệ và tự sản xuất các loại thiết bị viễn thông, từ điện thoại di động cơ bản, smartphone, USB 3G, tablet và máy tính PC All-in-one.
Trong năm 2011, Viettel đã chế tạo thành công USB 3G và nhiều loại thiết bị tự động điều khiển như thiết bị cảnh báo sóng thần, thiết bị cảnh báo hồ chứa nước, thiết bị giám sát nhà trạm, tủ nguồn… Trung tuần tháng 10 năm ngoái, tập đoàn chính thức tuyên bố tự sản xuất thành công điện thoại di động. Sản phẩm ghi dấu ấn được đặt tên là Sumo 2G V6206.
Trong đơn gửi Thủ tướng, Viettel không nói số thuế xin miễn ước vào khoảng bao nhiêu, nhưng có thể đoán động thái này chủ yếu nhằm đòi hỏi một môi trường cạnh tranh bình đẳng chứ không phải vì thiếu tiền. Doanh thu của Viettel trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 72.638 tỷ đồng. Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu năm 2013 sẽ đạt 160.000 đến 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 34.000 tỷ đồng.
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc