Pháp lệnh Trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã được công bố chính thức vào sáng 17/3 trong buổi họp báo tại Văn phòng Chủ tịch nước...
Cảnh sát cơ động gồm 4 lực lượng: Lực lượng đặc nhiệm, lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng bảo vệ mục tiêu, lực lượng huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ (Ảnh Internet)
Cảnh sát cơ động được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù
Pháp lệnh Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 24 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm về chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Căn cứ thể chế hóa quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Phòng chống khủng bố và các quy định của Pháp lệnh hiện hành, Điều 7 Pháp lệnh đã quy định 16 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Cảnh sát cơ động. Trong đó, đáng chú ý có các nhiệm vụ: Thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự; tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật; tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống, khắc phục thảm họa, thiên tai…
Pháp lệnh đã mở rộng, ngoài chế độ chính sách chung đối với Công an nhân dân, Pháp lệnh quy định Cảnh sát cơ động còn được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù theo tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động. Nhằm khắc phục những khó khăn trong quá trình công tác của Cảnh sát cơ động, Pháp lệnh đã quy định cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động được thực thi theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua Pháp lệnh này Cảnh sát cơ động sẽ có quyền tiến hành một số hoạt động trong công tác điều tra.
Pháp lệnh Trình tự thủ tục xem xét... đòi hỏi cao về trình độ Thẩm phán
Thẩm phán được phân công phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục (Ảnh minh họa)
Pháp lệnh gồm 5 chương 42 điều được UBTVQH thông qua ngày 20/1/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Pháp lệnh quy định trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Để đảm bảo quyền của người của thành niên theo pháp lệnh vừa công bố, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn nhấn mạnh: Những hoạt động tố tụng của Tòa án là: Xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do một Thẩm phán thực hiện nhưng phải bảo đảm quyền của người bị đề nghị được giải trình trước Tòa án. Sự độc lập và tuân theo pháp luật của Tòa án phải được đảm bảo đầy đủ các yếu tố khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Pháp lệnh quy định rõ, Tòa án cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở, có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Nếu Tòa án cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị thì Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại các quyết định của cấp huyện.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm khi xây dựng Pháp lệnh này nhằm mục đích bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, quyền con người, đặc biệt là người chưa thành niên trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Khi áp dụng những biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng Thẩm phán được phân công phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục và hoạt động phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật (Điều 9). Qua đó, đòi hỏi Thẩm phán phải hiểu về tâm sinh lý các đối tượng này. Hiện, TAND Tối cao đang xây dựng Đề án Tòa án gia đình và người chưa thành niên để tạo cơ hội cho những người thành niên sửa sai.
Pháp lệnh cũng quy định việc cho hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do một Thẩm phán thực hiện. Đồng thời quy định cụ thể trình tự, thủ tục khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết của Tòa án. Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Ý kiến bạn đọc