Công tác TGPL luôn là lĩnh vực mạnh, là lá cờ đầu trong hoạt động của ngành Tư pháp. Chỉ sau 2011, hoạt động này đã bị rơi vào tình thế rất xáo trộn nếu không nói là có những cản trở và không nghiêm túc thực hiện Luật TGPL của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quy hoạch và Chiến lược do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý Cần được xem xét lại để không trái Luật
Không phù hợp
Sau 8 năm thi hành luật và 4 năm văn bản hướng dẫn cả nước có 1.314 công chức, viên chức và người lao động (572 Trợ giúp viên), trên 10.700 cộng tác viên (1.136 là luật sư). Về xã hội hóa, có 69 Công ty luật, 297 Văn phòng luật sư và 62 trung tâm TVPL đăng ký tham gia TGPL. Kết quả thực hiện được 940.183 vụ việc cho 987.949 lượt người, riêng năm 2014, 572 TGV đã thực hiện 74.258 vụ việc/124.171 vụ việc của toàn quốc, trong đó có 3.690 vụ việc tham gia tố tụng (mỗi TGV thực hiện 06 vụ/năm).
Năm 2015 Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “ Đổi mới công tác TGPL”, tuy nhiên, Đề án này có một số điểm không phù hợp với Luật TGPL 2006 và cũng không phù hợp với điều kiện kinh tế chính trị xã hội hiện nay. Cụ thể như sau:
Luật TGPL 2006 đã luật hóa các quy định về xã hội hóa hoạt động TGPL trên các lĩnh vực : tổ chức thực hiện TGPL; người thực hiện TGPL; phối hợp tham gia thực hiện TGPL; thành lập Quỹ TGPL để huy động nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động TGPL phát triển. Cùng với việc xác định chính sách TGPL: “ Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện”, Điều 6 Luật TGPL đã quy định: “khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư, cơ quan, tổ chức cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp hỗ trợ hoạt động TGPL”. Điều 7 Luật TGPL khẳng định: cơ quan, tổ chức phải “tạo điều kiện để cán bộ, viên chức, công chức, thành viên, hội viên và các cá nhân khác làm việc tại cơ quan, tổ chức mình làm CTV TGPL” và “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức TGPL để thực hiện TGPL”
Như vậy, xã hội hóa TGPL được hiểu là Nhà nước tạo cơ chế huy động mọi lực lượng xã hội (cơ quan, tổ chức, cá nhân) tham gia vào việc thực hiện các hoạt động TGPL. Đối với các tổ chức xã hội, Nhà nước khuyến khích tham gia TGPL để tổ chức xã hội vừa thực hiện trách nhiệm đối với thành viên, hội viên của tổ chức mình, vừa cùng Nhà nước thực hiện TGPL cho cộng đồng xã hội; tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư tham gia TGPL đối với người nghèo, nhóm yếu thế vừa là nghĩa vụ cao cả, vừa là đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Ngoài ra, Nhà nước còn khuyến khích các tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức nghiên cứu và đào tạo luật, các cơ quan báo chí, các tổ chức từ thiện… tham gia hỗ trợ hoạt động TGPL bằng các hình thức phù hợp trong khả năng của mình (nghiên cứu, TVPL, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật…).
Tuy nhiên, Đề án đổi mới công tác TGPL từ phần mục tiêu đến phần nhiệm vụ, giải pháp đều quy định chỉ còn có Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư được cung cấp TGPL. Thí dụ, trong phần mục tiêu tổng quan Đề án có quy đinh: “Đổi mới công TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời…”; ở phần mục tiêu cụ thể thì quy định như sau: “ nghiên cứu, xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa tiến tới ở giai đoạn sau năm 2025 chỉ có luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ TGPL, …” ; ở phần nhiệm vụ giai đoạn từ năm 2015 đến khi luật TGPL (sửa đổi) có hiệu lực quy định như sau: “Huy động luật sư có kinh nghiệm, đạo đức về bản lĩnh nghề nghiệp; các tổ chức hành nghề luật sư có uy tín tham gia thực hiện TGPL để người dân có quyền tiếp cận hoạt động TGPL với chất lượng cao”… Luật 2006 đã có quy định rất tiến bộ và khuyên khích nâng cao chất lượng là: người có yêu cầu được TGPL có quyền lựa chọn người thực hiện TGPL cho mình là luật sư, hoặc Trợ giúp viên hoặc cộng tác viên, tư vấn viên pháp luật. Như vậy, TGPL sẽ có sự cạnh tranh về chất lượng và bảo đảm các kênh này cùng phát triển, tạo cho thị trường pháp lý được ổn định, không bị độc quyền chi phối.
Quá ảo tưởng
Quy định trả kinh phí cho luật sư theo vụ việc trong đề án được coi là một dự kiến quá ảo tưởng bởi luật sư không đủ để chạy theo các vụ việc (hiện chỉ khoảng 20% vụ việc có luật sư tham gia tố tụng), cũng như không đủ nguồn ngân sách chi trả. Trợ giúp viên bị teo đi, thị trường dịch vụ pháp lý lại trở về trước 1997, thị phần của nhà nước là 0% và do lại do lực lượng hành nghề tự do là luật sư độc quyền. Việc giảm Chi nhánh và Câu lạc bộ TGPL đã là hình thức gây khó khăn cho người dân, không phải ai cũng có tiền để đi lại tốn ém và mất thời gian lên trung tâm tỉnh lỵ! hơn nữa, Trợ giúp viên pháp lý đang thực hiện vụ việc mà tỷ lện án có người tham gia tố tụng còn rất thấp, chưa đến 20%, nếu chỉ để Luật sư làm thì số vụ không có người tham gia còn giẩm rất nhiều! nguyên tắc tranh tụng trong cải cách tư pháp bị đe dọa nghiêm trọng, như vậy là đi trái chủ trương của Nghị quyết 48 và 49 của Đảng về Cải cách tư pháp.
Ngoài ra, việc co cụm vào Cục TGPL các chức năng tức là tập quyền, vô hình chung đã giảm hết trách nhiệm của các UBND đối với người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế trên địa bàn của mình trong giúp đỡ pháp luật. Việc này cũng đi ngược với chủ trương xã hội hóa và phân công phân cấp cho địa phương, thu hút lực lượng và nguồn lực ở địa phương mà Luật TGPL 2006 đã xác định rõ.
Luật TGPL 2006 đã mở cánh cửa đủ rộng xã hội hóa hoạt động TGPL thì Đề án lại thu hẹp chỉ còn mỗi luật sư và tổ chức hành nghề luật sư được cung cấp dịch vụ TGPL, trong khi Luật TGPL vẫn đang còn hiệu lực thi hành. Các quy định của Đề án như vậy không những trái Luật TGPL của Quốc hội mà còn trái với chủ trương của Đảng như đã nêu ở trên. Đồng thời Đề án đã làm ảnh hưởng tới quá trình tổ chức thực hiện Luật, gây tâm lý bất ổn cho các Trợ giúp viên, ảnh hưởng đến dịch vụ và ảnh hưởng đến đối tượng được TGPL. Các Ủy ban của Quốc hội cũng không thực hiện việc giám sát thực hiện Luật của Chính phủ khi có Đề án là văn bản trái Luật cần có báo cáo vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp khắc phục, dừng ngay việc triển khai thực hiện Đề án trái Luật này.
Tác giả bài viết: Thanh Bình
Nguồn tin: Thời báo doanh nhân
công tác, lĩnh vực, hoạt động, tư pháp, tình thế, xáo trộn, cản trở, nghiêm túc, thực hiện, quốc hội, nghị định, quy hoạch, chiến lược, thủ tướng
Ý kiến bạn đọc