Rss Feed
23:43 EST Thứ tư, 04/12/2024

Sự cần thiết ban hành Luật Hộ tịch

Ngày 25-4-2014, tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch.
Ngày 25-4-2014, tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, đăng ký và quản lý hộ tịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này, tạo cơ sở pháp lý để người dân được công nhận các quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân và để Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ, có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Tại hầu hết các nước, các sự kiện hộ tịch của con người (từ khi sinh ra đến khi chết) đều được đăng ký, bao gồm: khai sinh, kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, khai tử…  
Ở nước ta, vấn đề đăng ký và quản lý hộ tịch có lịch sử từ lâu đời (thời nhà Trần). Trải qua các thời kỳ phong kiến, thực dân, hộ tịch luôn gắn với vấn đề quản lý con người (“đinh”), bên cạnh vấn đề quản lý đất đai (“điền”), là hai vấn đề đã từng được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch được Nhà nước ta tiếp tục duy trì và phát triển. Theo tinh thần Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thể lệ đăng ký hộ tịch đã được quy định trong Bộ Dân luật giản yếu được áp dụng ở Nam kỳ, Hoàng Việt hộ luật được áp dụng ở Trung kỳ và Dân luật Bắc kỳ, tiếp tục được áp dụng ở Việt Nam. Điều đó cho thấy công tác hộ tịch đóng vai trò hết sức quan trọng, luôn được duy trì trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngày 08/5/1956, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 764/TTg kèm theo Bản Điều lệ hộ tịch; ngày 16/01/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 04/CP, kèm theo Bản Điều lệ đăng ký hộ tịch mới thay thế. Từ đó đến nay, căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình và các luật liên quan khác, Chính phủ đã ban hành tổng cộng 8 Nghị định điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch (cả hộ tịch trong nước và hộ tịch có yếu tố nước ngoài).  
Thực hiện các quy định của Bộ luật, Luật, Nghị định của Chính phủ, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta đã có những bước phát triển ổn định, đạt được những kết quả cụ thể. Công tác xây dựng thể chế được tăng cường (nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành); hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn; dữ liệu hộ tịch được hình thành với hệ thống sổ sách hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài; cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch đang được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch ngày càng được coi trọng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch được triển khai ở một số địa phương; đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực... Những kết quả trên đây cho thấy, công tác hộ tịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng đối với quản lý nhà nước và xã hội, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, với việc dịch chuyển dân cư trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, thì công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, như: 
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch tuy nhiều, nhưng chủ yếu là Nghị định, Thông tư, chưa có đạo luật riêng về hộ tịch, nên hiệu lực thi hành còn hạn chế; vì được quy định trong nhiều văn bản, nên dẫn đến phức tạp, khó áp dụng đối với người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch. 
Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều cấp (03 cấp: tỉnh, huyện, xã) có thẩm quyền đăng ký hộ tịch, dẫn đến chồng chéo giữa chức năng quản lý và đăng ký hộ tịch. Nhiều địa phương chỉ chú ý đến nhiệm vụ đăng ký, ít quan tâm đến nhiệm vụ quản lý hộ tịch. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra còn hạn chế; sai phạm trong công tác đăng ký hộ tịch vẫn diễn ra. Về phía người dân, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch trong một số trường hợp còn chưa được bảo đảm. 
Tuy Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã quy định, nhưng thời gian qua, tại nhiều xã, phường, thị trấn, nơi có đông dân cư và công việc hộ tịch nhiều, vẫn không bố trí được công chức chuyên trách làm công tác hộ tịch. Có những địa phương lại sử dụng chức danh “Tư pháp - hộ tịch” để bố trí vào các vị trí khác (phó trưởng công an xã, phó chỉ huy trưởng quân sự xã…). Tình trạng đó dẫn đến công chức Tư pháp - hộ tịch vừa không ổn, định, thiếu chuyên nghiệp, vừa chậm hoặc không đáp ứng kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân. Mặt khác, tại nhiều địa phương, công chức Tư pháp - hộ tịch chưa phát huy hết năng lực, trách nhiệm cá nhân, nên chất lượng tham mưu, giúp UBND cấp xã giải quyết các việc về hộ tịch còn hạn chế, sai sót.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch chưa được triển khai đồng bộ; cơ sở dữ liệu hộ tịch đa số tồn tại dưới dạng sổ sách, giấy tờ, gây khó khăn trong việc lưu giữ, bảo quản và sử dụng. Mỗi người dân hiện đang phải tự lưu giữ, bảo quản nhiều loại giấy tờ hộ tịch, gây bất ổn về tâm lý và bất cập khi sử dụng. Các sự kiện hộ tịch của một người được đăng ký ở nhiều nơi, nhiều cấp, ở trong nước và cả ở nước ngoài, trong khi chưa có cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đã dẫn đến tình trạng dữ liệu hộ tịch bị phân tán, không xâu chuỗi/kết nối/chia sẻ được với nhau; cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch không quản lý được đầy đủ các dữ liệu hộ tịch cá nhân, không nắm được sự di/biến động về hộ tịch trong địa bàn dẫn đến việc kiểm tra thông tin hộ tịch của cá nhân, việc tra cứu, khai thác thông tin hộ tịch để phục vụ yêu cầu của người dân và cơ quan, tổ chức trong nhiều trường hợp không đáp ứng được. Ngoài ra, tình trạng lợi dụng việc đăng ký hộ tịch (khai sinh, khai tử…) nhằm mục đích trục lợi hoặc trốn tránh pháp luật, gây phức tạp về trật tự an ninh xã hội có dấu hiệu gia tăng. 
Những bất cập, hạn chế trên đây vừa ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, vừa ảnh hưởng đến chất lượng đăng ký và quản lý hộ tịch, làm giảm hiệu quả quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội. Bên cạnh đó, trên phương diện quốc tế, trong nhiều trường hợp, giấy tờ hộ tịch chưa có sự tin cậy cao đối với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; một số nước chưa tin tưởng giấy tờ hộ tịch của Việt Nam. Điều đó gây ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 
Vì vậy, việc ban hành Luật Hộ tịch là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục những tồn tại, bất cập và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Hộ tịch:
 
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và nội dung đăng ký hộ tịch. Là luật về thủ tục, dự thảo Luật Hộ tịch chủ yếu quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các sự kiện hộ tịch. Đó là những sự kiện cơ bản từ khi sinh ra đến khi chết để xác định tình trạng nhân thân của một người (như khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha mẹ con, khai tử...). Luật Hộ tịch không quy định lại nội dung các quyền nhân thân của cá nhân gắn với hộ tịch (như quyền có quốc tịch, quyền kết hôn, quyền nuôi con nuôi…) đã được các luật khác điều chỉnh. Đồng thời, dự thảo Luật không quy định thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi quốc tế, là những vấn đề tuy có liên quan đến hộ tịch, nhưng đòi hỏi quy trình giải quyết đặc biệt hơn và đã được Luật quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi điều chỉnh. 
Về nội dung đăng ký hộ tịch, dự thảo Luật (Điều 3) xác định rõ 3 loại việc hộ tịch khá phổ biến, đã và đang phát sinh trên thực tế cần được đăng ký, gồm: i) xác nhận các sự kiện hộ tịch như sinh, tử, kết hôn và các sự kiện khác; ii) ghi vào sổ những việc dẫn đến thay đổi tình trạng hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như xác định lại giới tính, quốc tịch, nuôi con nuôi v.v...; iii) ghi vào sổ những việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Đồng thời có quy định “mở” nhằm đón trước các việc khác liên quan đến hộ tịch có thể phát sinh do sửa đổi, bổ sung các luật liên quan quyền con người, quyền công dân (như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình). Việc xác định rõ những việc hộ tịch nhằm bảo đảm cho người dân thuận lợi, dễ thực hiện.
 
Thứ hai, về Số định danh cá nhân
Dự thảo Luật (khoản 1 Điều 4) quy định có tính nguyên tắc về Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên được lập nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân (được tích hợp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư). Số định danh được cấp cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân và công tác quản lý nhà nước.
Thực tiễn hiện nay đang tồn tại khoảng 20 loại giấy tờ cá nhân, mỗi loại giấy tờ đều có số, mã số khác nhau. Các giấy tờ đều có chung đặc điểm là chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân (như họ và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú…). Tuy nhiên, trên các loại giấy tờ, thông tin của cùng một người đôi khi cũng không trùng nhau, gây khó khăn trong sử dụng. Các số, mã số trên giấy tờ cũng có tính đặc thù, không thể chia sẻ, kết nối được với nhau, nên dẫn đến sự cát cứ, khép kín thông tin cá nhân ở mỗi cơ quan/lĩnh vực quản lý, không phát huy được hiệu quả trong sử dụng và phục vụ công tác quản lý nhà nước.   
Để khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, trong điều kiện phát triển công nghệ kỹ thuật số, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, việc quy định Số định danh cá nhân trong dự thảo Luật là hết sức cần thiết. Về bản chất, Số định danh cá nhân được coi như “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác. Đồng thời, khi xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân có một Số định danh, sẽ tạo ra sự đột phá lớn trong quản lý nhà nước, quản lý dân cư; phục vụ tích cực cho việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân, cũng như trong lĩnh vực hộ tịch.
 
Thứ ba, đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch
Với vai trò, ưu thế của Số định danh cá nhân, dự thảo Luật (Điều 9) mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức tối ưu nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, kể cả gửi hồ sơ thông qua trực tuyến khi điều kiện cho phép. Theo đó, cá nhân chỉ cần thông báo Số định danh của mình khi làm thủ tục, không cần xuất trình giấy tờ. Việc thực hiện quy định này sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách tối đa, tạo thuận lợi tối ưu cho người dân trong đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, để áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp (khi Luật được thông qua mà người dân chưa có Số định danh), dự thảo Luật quy định cá nhân cần xuất trình giấy tờ tùy thân (như Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu) khi đăng ký hộ tịch.
 
Thứ tư, giao Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài (là những việc thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp hiện nay) 
Thực hiện những định hướng lớn về cải cách hành chính theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, với quan điểm thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương/cơ sở, dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (cùng với việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ 14 tuổi trở lên – theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP). Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký các việc hộ tịch còn lại. Đây là quy định quan trọng, nhằm phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương; tạo hành lang pháp lý bảo đảm tăng cường, thống nhất vai trò quản lý nhà nước của cơ quan Trung ương và UBND cấp tỉnh, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở khi điều kiện cho phép. 
Việc phân cấp này sẽ giúp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động về thời gian, tập trung nguồn nhân lực để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch tại địa phương; khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch; tạo thuận lợi, dễ dàng, bảo đảm tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi yêu cầu đăng ký hộ tịch.  
 
Thứ năm, cải cách hành chính theo hướng cắt giảm mạnh các giấy tờ trong đăng ký hộ tịch 
Cùng với việc quy định về Số định danh cá nhân, xây dựng phần mềm ứng dụng trong đăng ký hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, dự thảo Luật Hộ tịch có những quy định mang tính cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, nhằm đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn khoảng 25 thủ tục). Điều đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, bảo đảm đơn giản, thuận lợi, tiết kiệm chi phí xã hội. Trong giai đoạn chuyển tiếp (khi người dân chưa được cấp Số định danh cá nhân), dự thảo Luật quy định ngay sau khi đăng ký hộ tịch (hoặc kể cả sau này khi có yêu cầu), người dân được cấp trích lục hộ tịch - thay vì được cấp các giấy tờ hộ tịch như hiện nay. Khi có điều kiện thực hiện giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch theo hướng hiện đại (trực tuyến), trong bối cảnh hoàn tất cấp Số định danh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành, người dân thậm chí không cần đến cơ quan nhà nước mà vẫn giải quyết được việc đăng ký hộ tịch (thông qua mạng Internet). Khi đó sẽ thực hiện cắt giảm toàn bộ giấy tờ hộ tịch.
Như vậy, việc cấp trích lục hộ tịch cho người dân chỉ thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp, nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng của người dân, giúp người dân không phải giữ nhiều giấy tờ hộ tịch như hiện nay. Dự thảo Luật quy định việc cấp trích lục hộ tịch cho người dân ngay sau khi đăng ký các việc hộ tịch hoặc theo yêu cầu (Điều 67, Điều 68). Với quy định này, ngoài việc loại bỏ áp lực cho người dân trong việc lưu giữ, bảo quản bản chính giấy tờ hộ tịch, còn cắt giảm được số lượng không nhỏ kinh phí in ấn, phát hành biểu mẫu giấy tờ hộ tịch hàng năm.
 
Thứ sáu, quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch 
Cùng với việc quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch hiện nay, dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này (Điều 76 và Điều 77). Đặc biệt, với quyết tâm của Chính phủ trong bối cảnh triển khai thực hiện Đề án 896, công chức Tư pháp – hộ tịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cấp Số định danh cá nhân, cung cấp thông tin đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.  
            

Nguồn tin: noichinh.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Chu nhiem

LAWYER TODAY TV

  • Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội làm việc với UBND thành phố Hà Nội
  • Hợp tác Pháp Việt
anh2
Vinhomes Phạm Hùng

Xem nhiều nhất







vinhomes central park

biet thu vinpearl

vinhomes bason

thue may han

sua may han

sua may han gia re

sua may han mig

may han

sua may han

may han hong ky

© LUATSUNGAYNAY.VN

Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013
Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com
Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn.
 NukeViet is registered trademark of VINADES.,JSC