Rss Feed
22:03 EST Thứ tư, 04/12/2024

Nguyễn Trọng Tỵ: Người luật sư cống hiến không ngừng nghỉ

Bài tham dự cuộc thi viết và Lễ tôn vinh Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố có số lượng luật sư hành nghề lớn nhất trong cả nước với tổng cộng gần 2.000 luật sư. Người “cầm lái con tàu nhiều toa” này là một người đàn ông đã 83 tuổi.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ

Gặp ông, người ta dễ có thiện cảm ngay từ lần đầu tiên bởi vẻ nhân hậu của một người cao tuổi mà vẫn toát lên sự quắc thước, tinh anh của một “con nhà nòi”. Ông là luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, một đảng viên lão thành với 64 năm cống hiến, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Sinh năm 1929 tại quê lúa Thái Bình, khi mới 16 tuổi, người thanh niên Nguyễn Trọng Tỵ lúc đó đã là một trong những nhân tố hoạt động cách mạng tích cực, được tín nhiệm giao nhiệm vụ phụ trách đội tự vệ chiến đấu, hăng hái tham gia cướp chính quyền tại địa phương. Tháng 2/1948, mới 19 tuổi ông đã vinh dự được kết nạp Đảng. Một năm sau, ông được bầu làm chi ủy viên, phụ trách chính trị viên xã đội, rồi làm Bí thư chi bộ xã trong vùng địch chiếm đóng. Trong thời gian này, ông đã cùng với Ban chi ủy lãnh đạo nhân dân phá tề trừ gian, chống địch càn quét, vơ vét của cải, chống địch bắt thanh niên đi lính cho chúng… Đến năm 1961, ông được Nhà nước cử đi học chuyên ngành luật lại Học viện Quân chính Lênin ở Mátxcơva (Liên Xô cũ). Sau 3 năm, ông về nước nhận công tác tại Viện kiểm sát quân sự Trung ương với nhiệm vụ chính là làm điều tra hình sự. Trong thời gian này, ông đã tham gia quá trình điều tra, xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng. Nổi bật là vụ án “Ai giết chị Là” theo chỉ thị của Bác Hồ và đồng chí Hoàng Quốc Việt khi ấy là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Qua đó giải oan được cho 3 chú cháu: Đỗ Văn Chồi, Đỗ Văn Mạnh và Đỗ Thị Tương. Cả 3 chú cháu đã bị xử tù oan, mãi 8 năm sau mới được minh oan. Ngoài ra, ông còn tham gia giải oan cho Phạm Văn Duyện, bị bắt giam oan về tội cướp của, giết người.

Năm 1982, ông được chuyển ngành sang làm thẩm phán tại Tòa án nhân dân Tối cao. Khi làm thẩm phán xét xử phúc thẩm, ông đã phát hiện án oan, tuyên vô tội và thả ngay tại tòa cho ông Nguyễn Hữu Đạo bị Tòa án Thanh Hóa xử phạt tử hình về tội “giết người”. Tại Hà Tĩnh (cũ), ông Tỵ cũng đã minh oan, trả tự do ngay tại Tòa cho ông Phạm Hùng bị xử tù chung thân về tội giết vợ. Ngoài ra, ông còn tham gia xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, không để xảy ra sai sót.

Sau nhiều năm cống hiến trong ngành bảo vệ pháp luật, năm 1992, ông Tỵ nghỉ hưu, ra làm luật sư và được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội. Trên 20 năm làm luật sư, ông đã bênh vực cho 4 người được tuyên vô tội, gồm: anh Đồng ở Kon Tum, ông Đại Yên ở Phú Yên, ông Tuyên ở Khánh Hòa và anh Tiếp ở Hải Phòng. Hàng năm, ông còn làm tư vấn miễn phí cho hàng trăm người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đoàn luật sư Hà Nội được phát triển mở rộng rất nhanh chóng, từ chỗ chỉ có vài chục người, đến vài trăm người, nay đã lên tới gần 2.000 người. Thêm vào đó, hoạt động của luật sư mang tính độc lập cao nên rất khó quản lý. Nghĩ vậy, ông cùng với các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư bàn bạc, đưa ra quyết định cần phải tổ chức đảng bộ để thu hút các đảng viên làm lực lượng nòng cốt, phối hợp với các đoàn thể: thanh niên, cựu chiến binh… để cùng xây dựng Đoàn luật sư vững mạnh. Song song với việc tổ chức cơ cấu chặt chẽ, Ban Chủ nhiệm còn đề ra chính sách thăm hỏi khi luật sư thành viên gặp ốm đau, tai nạn, hiếu hỉ… nhằm gắn kết các anh chị em luật sư với Đoàn. Đi đôi với những hỗ trợ này, Ban Chủ nhiệm còn chủ động kiên quyết đấu tranh và xử lý dứt điểm những quan điểm sai trái, những việc làm vi phạm pháp luật của một số cá nhân luật sư trong Đoàn. Theo đó, năm 2004, ông là người trực tiếp buộc tổ chức “Vì công lý” hoạt động sai trái phải đình chỉ và giải tán. Hai luật sư trong tổ chức này là Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài đã bị yêu cầu xử lý nghiêm, nhằm ngăn ngừa những hành vi lợi dụng tư cách luật sư để làm điều trái pháp luật, ảnh hưởng tới uy tín của Đoàn luật sư.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác quản lý Đoàn luật sư, ông Tỵ còn luôn dành thời gian quan tâm, theo dõi sát sao và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Một trong những nội dung hiện được ông luật sư lão thành đặc biệt quan tâm là việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Cá nhân ông luôn khẳng định đây là cuộc sinh hoạt chính trị nghiêm túc, thực hiện kiểm điểm, phê bình và tự phê bình thẳng thắn từ trên xuống. Cơ sở niềm tin của ông là đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước hiện nay hầu hết là những người có học, có trình độ, có bằng cấp, học vị cao. Từ nhân cách này, họ có đủ điều kiện để nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết Trung ương 4. Qua đó, thấy rõ những công việc phải làm và quyết tâm thực hiện, đồng thời gương mẫu thực hiện tự kiểm điểm, soi lại mình, điều gì còn khiếm khuyết thì khắc phục, sửa chữa, điều gì tốt đẹp thì phát huy…

Ông tâm sự, mới nghe qua, tưởng như việc xây dựng Đảng với chống tham nhũng là hai việc. Nhưng thực tế hai việc này cũng chỉ là một. Có chống được tham nhũng mới xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh. Muốn xây dựng được Đảng vững mạnh, chống được tham nhũng, theo ông, không có cách nào khác là phải tin tưởng vào quần chúng nhân dân, thực sự dựa vào dân. Nhất là đối với việc sắp xếp, bố trí cán bộ. Đảng và Nhà nước chỉ đề ra tiêu chí, yêu cầu cụ thể cho mỗi chức danh rồi để cho quần chúng nhân dân lựa chọn đề cử. Sau đó, Đảng và Nhà nước nắm quyền phê duyệt. Tránh tình trạng lôi kéo người quen thân, con ông cháu cha chia nhau nắm giữ chức quyền. Mỗi chức danh khi được bầu, khi được bổ nhiệm đều phải có bản cam kết công bố công khai cho quần chúng nhân dân biết về việc: Chức danh ấy phải làm gì? Có quyền gì? Trong một thời hạn quy định cụ thể, nếu cá nhân đó không làm được hoặc có vi phạm, thì buộc phải từ chức, hoặc bị bãi nhiệm. Cần thiết phải xóa bỏ tình trạng, ở dưới không còn tín nhiệm thì cán bộ được điều lên trên, nơi này không làm được thì điều vào nơi khác. Thậm chí còn được lên chức cao hơn như kiểu đề bạt ông Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng hải vừa qua…

Với những cống hiến không ngừng nghỉ cho Đảng, cho cách mạng và thành tích nổi trội trong công tác chuyên môn, người đảng viên lão thành Nguyễn Trọng Tỵ được tôn vinh là một nhân tố mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Cá nhân ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chóng Mỹ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chông Pháp hạng Ba, 3 Huân chương chiến sỹ vẻ vang, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng cùng nhiều Huy chương, Huy hiệu khác… Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trong ông vẫn thấy sự tinh anh, dồi dào sức lực, nhiệt huyết cống hiến cho Đảng, cho cái “nghiệp” bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật, trả lại lẽ phải, xóa bỏ những oan ức trong cuộc sống thường ngày, với mong muốn đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Nguồn tin: vanhien.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Chu nhiem

LAWYER TODAY TV

  • Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội làm việc với UBND thành phố Hà Nội
  • Hợp tác Pháp Việt
anh2
Vinhomes Phạm Hùng

Xem nhiều nhất







vinhomes central park

biet thu vinpearl

vinhomes bason

thue may han

sua may han

sua may han gia re

sua may han mig

may han

sua may han

may han hong ky

© LUATSUNGAYNAY.VN

Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013
Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com
Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn.
 NukeViet is registered trademark of VINADES.,JSC