Không có quy định nào bắt LS phải ngồi im, đứng thẳng khi tranh luận.
"Dân dã hóa" văn hóa phiên tòa?
Trong phiên tòa phúc thẩm xử Đoàn Văn Vươn và đồng bọn diễn ra sáng 30/7 ở TAND TP.Hải Phòng, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang đã phải nhiều lần nhắc nhở LS Đoàn Hữu Bền, người bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn. Chủ tọa cho nhắc: “Khi bào chữa "không “chém gió”. Tuy chỉ là một "sự kiện" nhỏ trong cả quá trình xét xử vụ án được dư luận quan tâm này, nhưng lại như "giọt nước tràn ly" đối với một vấn đề "văn hóa phiên tòa".
Tại phiên tòa này, LS Đoàn Hữu Bền đã "vung tay" khi thể hiện các luận điểm bào chữa mà theo lý giải của LS là để "mô tả chiếc khiên chống đạn của nhóm cán bộ thứ nhất vào cưỡng chế khác với nhóm thứ hai", chứ không có ý không tôn trọng Hội đồng xét xử. Hành vi này của LS đã không được Chủ tọa phiên tòa chấp nhận nên đã nhắc nhở LS "không được vung tay" và đến lần thứ hai thì "đe": “Ông LS không được cái kiểu “chém gió”. Nếu còn vung tay thì sẽ bắt ngồi xuống không cho nói nữa”.
Trước LS Đoàn Hữu Bền, nhiều LS khác cũng đã bị nhắc nhở khi có các hành vi tương tự, cho dù việc LS có được dùng "ngôn ngữ cơ thể" để diễn tả luận điểm bào chữa cùng ngôn từ hay không thì chưa được qui định cụ thể trong văn bản pháp luật nào, kể cả các bộ luật tố tụng và nội qui phiên tòa (đang được công khai tại các trụ sở tòa án). Vì thế, không chỉ LS Đoàn Hữu Bền mà nhiều LS đã bày tỏ sự không tán thành với cách ứng xử của thẩm phán Nguyễn Vinh Quang trong tình huống này.
Theo một số LS, nếu việc LS Đoàn Hữu Bền "vung tay" khi bào chữa mà không gây ra mất trật tự phiên tòa hay có ý "thiếu tôn trọng Hội đồng xét xử hay phiên tòa" thì không có lý do gì để phải bị nhắc nhở như vậy.
Đặc biệt, chi tiết khiến các LS bức xúc chính là cách dùng từ "chém gió" của Chủ tọa. Đây là từ "dân dã", không phải ngôn ngữ chính thức lại được sử dụng để điều hành phiên tòa như vậy sẽ khiến sụt giảm "uy lực" cũng như tính nghiêm túc của lời nhắc nhở. Thậm chí, LS Bền cho rằng, lời nhắc của Chủ tọa là “chưa đúng chuẩn mực ứng xử tại phiên tòa, cần phải rút kinh nghiệm”.
Không phải cứ "ngồi im, đứng thẳng" mới là "tôn trọng"
Trong giao tiếp thông thường, ngôn ngữ cơ thể được sử dụng như "công cụ hỗ trợ" cho ngôn từ, nhất là đối với các diễn giả, người hùng biện, bào chữa... Tùy cá tính của từng cá nhân mà cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể cũng ở các mức độ, tần suất khác nhau.
Đối với LS, phần lớn thời gian tại phiên tòa là tiến hành tranh luận với kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, trình bày luận điểm, luận cứ bào chữa nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, cũng như bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi hợp pháp của thân chủ.
Như vậy, công việc của LS tại phiên tòa cũng có điểm tương đồng mới những diễn giả, những nhà hùng biện. Họ đều phải dùng ngôn từ và ngôn ngữ cơ thể để thể hiện ý tưởng, đề xuất, luận điểm bảo vệ cho quan điểm của mình.
Vậy nên, ngôn ngữ cơ thể là phần "tất yếu" của LS cho những bài bào chữa. Ở nhiều nước, việc LS sử dụng các "công cụ hỗ trợ" để thể hiện việc bào chữa tương đối thoải mái: Từ việc sử dụng các ngôn ngữ cơ thể đến việc đi lại trong phòng xử án, đối diện trình bày với bồi thẩm đoàn, thậm chí cả bị cáo, bị hại, người làm chứng...
Theo qui định pháp luật và nội qui của các phiên tòa, những người tham dự phiên tòa, có cả LS, "phải tôn trọng hội đồng xét xử và những người khác tham dự phiên tòa". Điều đó không có nghĩa là buộc LS phải "ngồi im, đứng thẳng" khi trình bày luận điểm bào chữa, tranh luận tại phiên tòa, mà yêu cầu LS phải có hành vi đúng mực theo tiêu chuẩn giao tiếp, tôn trọng các quyết định của Hội đồng xét xử trong điều hành phiên tòa...
Ngược lại, qui định này cũng phải được áp dụng với cả những người tiến hành tố tụng. Nếu LS không được "vung tay" để miêu tả ý tứ thì thẩm phán càng không thể dùng từ "chém gió" khi nhắc nhở LS... hay đập bàn, sử dụng điện thoại, thậm chí có thẩm phán, hội thẩm nhân dân còn... "thiu thiu ngủ" trong khi các bên "tranh luận gay gắt"...
Những chuyện nhỏ như vậy vẫn xảy ra tại các phiên tòa, nhẹ thì gây cười, nặng thì gây bức xúc cho những người tham dự phiên tòa. Nhưng "tích gió thành bão", nếu những "chuyện nhỏ" liên quan đến thẩm phán và LS như ở vụ Đoàn Văn Vươn vừa qua không được điều chỉnh thì sẽ thành "chuyện lớn" ảnh hưởng đến văn hóa xét xử, văn hóa phiên tòa và sự uy nghiêm của chốn công đường.
luật sư, quan trọng, quá trình, tố tụng, nhất là, chủ trương, cải cách, tư pháp, qui trình, xét xử, nhấn mạnh, vai trò, qui định, hành vi, hội đồng
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc