Ngày 24/8, tại tòa soạn luatsungaynay.vn - Đoàn luật sư TP Hà Nội, Luật sư Đặng Thúy Quỳnh, trưởng văn phòng Luật sư Cộng đồng đã tham gia chương trình "tư vấn pháp luật cho cộng đồng" góp phần chào mừng ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2013). Khách hàng là chị Quách Ngọc DIỆP, trú tại Ba Đình, Hà Nội.
Luật sư Đặng Thúy Quỳnh (bên phải)
Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Hà Nội có địa chỉ tại số 14, phố Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội do Bác sĩ Mai Mạnh Tuấn phụ trách đã phẫu thuật thẩm mỹ núm vú cho Chị Diệp. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, vú của chị Diệp bị đau nhức từng cơn, màu sắc và hình dạng núm vú không bình thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của chị Diệp. Chị Diệp đã gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra sở Y tế Hà Nội và nhờ Luật sư Đặng Thúy Quỳnh tư vấn về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình liên quan đến hậu quả chị đang phải gánh chịu.
Thắc mắc cần giải đáp!
Chị Quách Ngọc Diệp trình bầy: 1. Sau khi Bác sĩ tại Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ nghe chị Diệp trình bày về tình trạng núm vú của chị bị tụt vào bên trong bầu vú và chị có nguyện vọng muốn khắc phục khiếm khuyết này. Bác sỹ đã đồng ý làm theo nguyện vọng của chị và tính chi phí rồi thu tiền. Ngay sau đó họ đã tiến hành phẫu thuật ngực cho chị mà không cần bất cứ một thủ tục nào khác. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật xong, vú của chị Diệp bị đau nhức, màu sắc và hình dạng núm vú không bình thường… Vậy, chị xin hỏi: ca phẫu thuật đó có được gọi là thành công hay không? Bác sĩ đã làm hết trách nhiệm theo quy định hay chưa?
2. Khi hậu quả xảy ra, Bác sĩ trốn tránh trách nhiệm bằng cách giả mạo chữ kí cam kết rủi ro của bệnh nhân, hành vi đó có sai phạm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hay không?
3. Sau khi gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra sở y tế Hà Nội thì nhận được kết luận: Phòng khám không vi phạm. Vậy, luật sư cho hỏi: Trường hợp này phải làm thế nào, bệnh nhân có nên đi phẫu thuật lại ở cơ sở khác có uy tín trong thời gian này hay không?
Luật sư tư vấn, tháo gỡ vướng mắc.
Luật sư Đặng Thúy Quỳnh: 1. Nguyện vọng của chị Diệp là chính đáng và chị đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền để Phòng khám thực hiện nghĩa vụ phẫu thuật thẩm mỹ theo yêu cầu của chị. Cơ sở thẩm mỹ là nơi có các bác sỹ chuyên khoa có trách nhiệm khám, chuẩn đoán thực trạng bệnh lý của chị, từ đó có phác đồ chữa trị. Trong trường hợp của chị, Bác sỹ của phòng khám lựa chọn phương pháp can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật núm vú cho chị. Về nguyên tắc, khi Bác sỹ quyết định phẫu thuật, họ phải tiến hành đánh giá núm vú của chị tụt ở mức độ nào. Khả năng nếu phẫu thuật, rủi ro có hay không và nếu có thì ý kiến của chị thế nào, lời cam đoan của chị bằng Văn Bản ra sao. Nếu chị đồng ý ký Biên bản cam đoan thì về chuyên môn, họ có thể phải tiến hành các loại xét nghiệm để xác định tình trạng cơ địa của chị có can thiệp phẫu thuật được không và đề ra phác đồ điều trị, xử lý khi phẫu thuật để bảo đảm rằng sẽ không có biến cố gì xảy ra. Tuy nhiên, theo chị Diệp trình bày, ngay sau khi nghe chị đưa ra nguyên vọng họ đã yêu cầu chị nộp tiền và tiến hành phẫu thuật ngay mà không thực hiện những hoạt động theo quy trình, quy định bắt buộc đối với trường hợp can thiệp phẫu thuật ngoại khoa như nêu trên là sai quy định. Và vì vậy, hậu quả sau khi phẫu thuật đã để lại di chứng ngực chị đau nhức buốt triền miên. Hai núm vú của chị sau phẫu thuật vẫn không được cải thiện hơn so với núm vú trước khi phẫu thuật mà còn để lại sẹo rất xấu và núm vú đã bị biến dạng! Hậu quả như vậy có thể gọi là "biến chứng sau phẫu thuât". Như vậy, ca phẫu thuật thẩm mỹ do Bác sĩ tại Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện không thể nói là thành công về chữa bệnh và càng không đạt về thẩm mỹ.
2. Sau khi phẫu thuật (hậu phẫu) bác sĩ hoặc y sỹ, y tá có chuyên môn phải theo dõi tình trạng bất thường của bệnh nhân, đề có thể xử lý và có phác đồ điều trị kịp thời các biến chứng, phản ứng bất thường xảy ra. Tuy nhiên, từ khi phẫu thuật xong, chị Diệp bị đau dữ dội ở vú và lan tỏa ra các vùng quanh ngực làm chị mất ăn, mất ngủ, tinh thần thì mỏi mệt, tâm trạng luôn lo lắng. Do đó, chị đã đến gặp bác sỹ với hy vọng bác sĩ sẽ khám lại và có biện pháp chữa trị, khắc phục tình trạng hiện tại. Thật bất ngờ là vị bác sĩ nọ đã trốn tránh và ông ta không những không gặp chị để nghe trình bầy, khám xét lại để tìm ra giải pháp khắc phục. Ngược lại, Bản cam kết rủi ro của bệnh nhân đã bị giả mạo chữ ký của chị. Về việc này, nếu tình tiết diễn ra đúng như vậy thì vấn đề y, đức của bác sỹ là có vấn đề nghiêm trọng, cụ thể: trước khi phẫu thuật ngoại khoa đã không làm đúng quy trình, quy định. Sau khi bệnh nhân có biến chứng đã không thăm khám mà bỏ mặc người bệnh. Về vấn đề pháp lý, việc giả mạo chữ ký trong bản cam đoan của bệnh nhân và hậu quả xấu đối với chị đã xảy ra thì những hành vi đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật Hình sự liên quan đến tội phạm do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.Tuy nhiên, thương tích của chị phải được giám định và nếu hậu quả tổn hại sức khỏe từ 31% trở lên thì người gây ra hậu quả thương tích đó có thể phải bị truy cứu TNHS theo Điều 109 BLHS. Và đương nhiên, hành vi giả mạo chữ ký của chị trong Bản cam kết rủi ro sau phẫu thuật cũng sẽ được điều tra xem xét để có biện pháp xử lý thích hợp.
3. Một số kết luận của Thanh tra sở y tế đã không dựa trên thực tế khách quan và không đúng sự thật. Ví dụ: Chị không được xét nghiệm máu nhưng kết luận thanh tra lại nói có bản kết quả xét nghiệm máu. Chị không ký bất kỳ một văn bản nào nhưng Hồ sơ lại có bản cam kết rủi ro của bệnh nhân có chữ ký của chị Diệp. Chị không được khám lại nhưng kết luận cho rằng phẫu thuật không biến chứng là không đúng. Phải chăng, từ kết luận này của Cơ quan Thanh tra có dấu hiệu bao che cho hành vi sai trái của Bác sỹ và cũng là một trong những nguyên nhân để bác sĩ thẩm mỹ trốn tránh trách nhiệm đối với chị !?
4. Chị Diệp đã đến nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ khác muốn khắc phục hậu quả sau phẫu thuật ở phòng khám nọ như Bệnh viện 108. Tại đây Bác sỹ tư vấn và khuyên chị nên quay về nơi đã phẫu thuật trước đây để họ chữa trị, bởi vì chỉ có họ mới biết họ đã sử dụng cái gì khi phẫu thuật ?
Do đó, chị cần phải có đơn tiếp tục yêu cầu làm rõ bản chất vụ việc và buộc Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Hà Nội cử Bác sỹ có chuyên môn giỏi, có đạo đức nghề nghiệp thăm khám và khắc phục hậu quả cho chị. Mặt khác, những chứng từ, viện phí, chi phí phẫu thuật, thuốc men, thăm khám và chữa trị và những chi phí thực tế chị nên giữ lại và tổng hợp lại để làm căn cứ chứng minh yêu cầu phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ bồi thường thiệt hại đối với chị./
Ý kiến bạn đọc