Thuận tình ly hôn, vợ chồng không phải dắt nhau ra tòa
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chấp nhận cho ly hôn quá dễ dàng thì có thể tạo nên trào lưu trong lớp trẻ, dễ dàng lấy nhau rồi ly hôn. Mặt khác, ai sẽ là người chịu trách nhiệm ra quyết định thuận tình ly hôn và giải quyết những phát sinh hậu ly hôn nếu có?!
Hôn nhân dưới góc độ xã hội
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành nhân cách. Chính vì tầm quan trọng của gia đình nên việc giải quyết ly hôn của vợ chồng đã được quy định tại Điều 18 luật HN&GĐ. Trong đó khuyến khích đề cao việc thực hiện hòa giải ở cơ sở.
Là người đã từng trải qua đổ vỡ, mặc dù là thuận tình ly hôn, nhưng chị Nguyễn Ngọc M. (35 tuổi, ở Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ: "Trên thực tế mấy ai ly hôn mà không từng day dứt? Thường thì chỉ đến khi cơm không lành canh không ngọt, mới dắt nhau ra tòa để ly hôn. Nói là thuận tình nhưng lòng lại nghĩ khác, những day dứt oán hận còn theo tôi mãi về sau này.
Khi tái hôn, vì không còn giữ quyết định ly hôn nên tôi phải vào tận Thanh Hóa, đề nghị Tòa án cấp cho tôi bản trích lục để về Hà Nội đi đăng ký kết hôn với người chồng mới".
Theo luật sư Lê Việt Cường, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: "Luật HN&GĐ ban hành là để bênh vực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ, nhất là trong xã hội rất phức tạp như hiện nay. Giá trị gia đình hiện đang bị đảo lộn, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ ly hôn thường phát sinh nhiều vấn đề, thậm chí là tội phạm gây bất ổn trong xã hội.
Theo pháp luật hiện hành, ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng, hủy bỏ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa thể hiện dưới hai hình thức bản án hoặc quyết định của tòa.
Tuy nhiên, với đề xuất mở rộng thẩm quyền giải quyết việc thuận tình ly hôn thì người vợ hoặc người chồng có thể lựa chọn việc ly hôn của mình tại cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc tại tòa án nếu đảm bảo đủ 3 điều kiện: Vợ chồng thuận tình ly hôn; không có tranh chấp việc nuôi con chưa thành niên hoặc cấp dưỡng con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, con không có khả năng lao động, không có tài sản để nuôi mình; không có tranh chấp về tài sản. Theo tôi, đó không phải là giải pháp tốt nhất, nếu như không nói là nhiều bất cập".
Cũng theo luật sư Cường, chế định ly hôn thay đổi đáng kể trên toàn thế giới nhưng hầu hết các nước đòi hỏi phải có phán xử của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo trình tự pháp lý nhất định.
Băn khoăn về năng lực, trình độ cán bộ xã, phường Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng: Về mặt luật pháp quy định việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại UBND cấp xã, phường nơi người đăng ký có hộ khẩu thường trú. Thế nhưng sau này phát sinh mọi quyền lợi về kinh tế xảy ra tranh chấp thì Tòa án vẫn là nơi phải giải quyết cuối cùng. Nên chăng vẫn để trách nhiệm của Tòa giải quyết ly hôn, ly hôn thuận tình vừa đảm bảo về mặt pháp lý, tránh khiếu kiện phát sinh sau này. Mặt khác hiện tại năng lực, trình độ của các cán bộ phường, xã liệu có đáp ứng được yêu cầu khi mà những vụ án ly hôn ngày càng gia tăng với diễn biến phức tạp. |
Trách nhiệm pháp lý chưa rõ ràng
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Hải- Trưởng phòng pháp luật dân sự bộ Tư pháp cho hay: "Trên thực tế, một số nước trên thế giới đã áp dụng việc giải quyết thuận tình ly hôn bằng con đường hành chính địa phương. Vì họ coi thuận tình ly hôn là việc dân sự. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay mới là dự thảo, để dự thảo đi vào thực tiễn thủ tục về luật Hộ tịch còn phải thay đổi bổ và sung. Về mặt nguyên tắc Tòa án công nhận quyết định của UBND trong trường hợp quyết định đó không trái với quy định của luật. Trong trường hợp có sai phạm, không đúng với quy định của luật, có khiếu nại đương nhiên quyết định đó sẽ bị hủy, trong tố tụng điều này quy định rất rõ.
Giải quyết bằng con đường tòa án không có nghĩa là chấm dứt, tuy nhiên về trách nhiệm pháp lý của quyết định thuận tình ly hôn, hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Vì đây mới là dự thảo, quan điểm cá nhân tôi, thuận tình ly hôn có hai quan điểm cần cân nhắc. Thứ nhất, thuận tình ly hôn không có con chưa thành niên, có tranh chấp về tài sản hoặc có con nhưng đã trưởng thành không tranh chấp về tài sản. Thứ hai, không tranh chấp về con và tài sản, hai quan điểm này cần phải cân nhắc khi áp dụng".
Tiến sĩ Đào Hồng Thu, nguyên Trưởng khoa ngôn ngữ đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, khi phải ly hôn người ta có tới hàng trăm lý do để đưa ra như: Ly hôn do đời sống không hạnh phúc bất đồng quan điểm, tình cảm không còn... với vô vàn lý do, thậm chí giả ly hôn để hợp thức hóa về tài sản, tẩu tán tài sản ở một số vụ án kinh tế, hình sự đã và đang diễn ra trên thực tế, hiện đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Lý do thật sự để họ phải ly hôn chỉ có người trong cuộc là rõ nhất.
Nếu như luật pháp chuyển quyền giải quyết cho cơ quan hành chính địa phương để giảm thiểu cho Tòa án đó là việc nên làm, có điều những trình thủ tục pháp lý như thế nào để quyết định của UBND phường, xã có giá trị pháp lý như bản án.
Vấn đề hiện nay đang còn nhiều tranh cãi là người chịu trách nhiệm về quyết định hành chính đồng ý cho thuận tình ly hôn. Luật sư Lê Việt Cường cho rằng cần xem xét đến yếu tố truyền thống, nếu việc ly hôn quá đơn giản thì tổ ấm gia đình người Việt rất dễ bị đổ vỡ, làm phát sinh các vấn đề xã hội, đặc biệt là việc nuôi dạy trẻ em. Đổi mới là tốt nhưng chủ trương đó phải phù hợp với thực tế xã hội, nếu không sẽ cản trở sự phát triển của xã hội, hậu quả khó lường.
sửa đổi, bổ sung, tư pháp, giải quyết, thủ tục, ly hôn, cơ quan, trường hợp
© LUATSUNGAYNAY.VN Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013 Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình | CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn. |
Ý kiến bạn đọc