Rss Feed
12:44 PST Thứ năm, 07/11/2024

Nghề “ô-sin” liệu có bước ngoặt mới?

Về luật pháp và các văn bản liên quan thì dĩ nhiên nghề giúp việc gia đình – dư luận gọi dân dã là “ô-sin” – đã có một sự đột phá dù chưa được bổ sung vào danh mục nghề quốc gia. Tuy nhiên, khoảng cách tới thực tại cuộc sống không dễ lấp đầy
Đa số người giúp việc gia đình làm việc theo thỏa thuận miệng với chủ nhà

Đa số người giúp việc gia đình làm việc theo thỏa thuận miệng với chủ nhà

Niềm vui chưa lan tỏa

“Chẳng ai muốn đi làm nghề này nếu biết làm việc khác, hay có trình độ đâu chú ơi”, chị Trần Thị Quỳnh Hương (41 tuổi, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) đang giúp việc cho một gia đình ở ngõ 11 Bạch Đằng (phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) ái ngại chia sẻ và giấu khuôn mặt khỏi ống kính. “Ông bà chủ” của chị là cặp vợ chồng cùng làm ngành ngân hàng, anh Hoàng Văn Thưởng và chị Huỳnh Thị Thái Nhung, cũng thật thà: “Chúng tôi cũng mới nghe nói có văn bản gì đấy về nghề “ô-sin” nhưng thực sự không có thời gian để tìm hiểu”.

Chị Hương được giới thiệu lên Hà Nội làm việc thông qua quen biết với gia đình chị Nhung, anh Thưởng với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Và kể ra, “ông bà chủ” và chị Quỳnh Hương còn có họ xa. “Trước đây thực tình chưa hề biết nhau, nhưng có người thân giới thiệu nên tin tưởng nhau là chính, chả hợp đồng gì đâu. Chúng tôi nhờ cô ấy giúp trông nom nhà cửa và đứa con vì vợ chồng bận rộn quá. Thỏa thuận miệng với nhau thôi, nhưng rất vui vẻ, thoải mái và chưa nảy sinh vấn đề gì”, chị Nhung cho biết. Nhưng nữ cán bộ ngân hàng này cũng thừa nhận, nhiều bạn bè đồng nghiệp khác không may mắn như chị, thậm chí “chết dở” vì “ô-sin” không tuân thủ thỏa thuận, hoặc nhiều “ô-sin” khốn đốn vì chủ nhà không coi ra gì, bớt xén thù lao, đối xử tồi tệ…

Và theo khảo sát dân cử vài khu phố ở phường Bạch Đằng, hầu như chẳng mấy người biết đến văn bản của Chính phủ mới ra gần đây liên quan đến chính họ và “ô-sin” của họ, dù những quy định vừa ban hành vô cùng hữu ích, thiết thực với họ. Ấy là Nghị định 27/2014 ra ngày 7/4 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình với rất nhiều điều khoản đáng lưu tâm.

“Báo chí đăng tải, chúng tôi cũng có biết qua về những quy định này, nhưng thực sự là không bận tâm lắm, vì đơn giản là chuyện ở gia đình tôi đều đang rất tốt đẹp, chứ không phức tạp như những trường hợp khác”, anh Hoàng Văn Thưởng lý luận. Còn “ô-sin” Quỳnh Hương thì cho biết: “Tôi không được đóng bảo hiểm gì cả, mà cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bảo hiểm đâu. Thưởng lễ Tết hay tăng lương, làm thêm thế nào thì tùy tâm cô chú ấy thôi”.
 
Khó khi “động” đến mỗi gia đình

Đánh giá rất cao văn bản hướng dẫn luật này, luật sư Nông Thị Hồng Hà (Cty Luật Hồng Hà) chia sẻ: “Lẽ ra phải có những chế định sớm hơn đối với nghề đặc biệt này để bảo vệ quyền lợi của người giúp việc và cả chủ nhà. Đến nay, lao động giúp việc vẫn chưa nằm trong danh mục nghề quốc gia, nhưng với nghị định này, nếu làm chặt chẽ, sẽ bảo vệ tốt hơn cho một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội”.

Luật sư Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe cũng nhận định với PV Báo GĐ&XH: “Từ điều 15 đến điều 20 của chương III Nghị định 27/2014 về tiền lương và bảo hiểm, cũng như các điều của chương IV về thời gian làm việc, nghỉ ngơi là đáng quan tâm và lưu ý thực hiện triệt để nhất. Vì thiếu những chế định cụ thể như vậy mà từ trước đến nay xảy ra rất nhiều rắc rối, nhưng luôn có xu hướng thiệt thòi hơn cho người giúp việc”.

Dẫu vậy, cả hai luật sư này đều cho rằng, quy định thì rõ ràng nhưng không dễ thực hiện, kể cả chuyện đơn giản nhất là ký hợp đồng lao động. “Ví dụ, việc quy định về khoản tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, hay đóng bảo hiểm ở mức nào đó, thì người giúp việc và chủ nhà thỏa thuận theo kiểu “người trong nhà” nên luật pháp không thể kiểm soát được, chỉ khi nảy sinh kiện tụng mới có thể biết mà xử lý”, luật sư Vũ Thái Hà phân tích. Do đó, luật sư này đề nghị nên có các chế tài cho phép cán bộ cấp phường, thậm chí tổ trưởng dân phố hỗ trợ việc kiểm tra thực hiện hợp đồng giữa “ô-sin” và gia chủ.

Cũng nhìn thấy khó khăn khi “động” vấn đề như chuyện riêng mỗi gia đình, bà Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho biết: “Thực tế giữa “ô-sin” và chủ nhà thì hơn 90% là hợp đồng miệng. Điều đó thể hiện, người giúp việc không thấy lợi ích của việc ký hợp đồng hoặc không muốn bị trói buộc vào một gia đình. Còn gia chủ thì không muốn chịu trách nhiệm và ràng buộc pháp lý”.

Trước câu hỏi “Những quy định trong Nghị định 27/2014 liệu sẽ khả thi?”, luật sư Vũ Thái Hà băn khoăn: “Bộ LĐ,TB&XH là cơ quan soạn thảo Nghị định, tuy nhiên, chưa tính hết phương án thực hiện nó. Động chạm vào mỗi gia đình là khó nhất trong các loại văn bản quy phạm pháp luật. Cách tốt nhất để cụ thể hóa, cảnh báo các gia chủ phớt lờ luật pháp là “răn đe” thí điểm bằng một vài vụ! Ngoài ra, khi “ô-sin” được công nhận là một nghề chính thức, việc cụ thể hóa nghị định này cũng sẽ dễ dàng hơn”.
 

Nguồn tin: giadinh.net.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Chu nhiem

LAWYER TODAY TV

  • Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội làm việc với UBND thành phố Hà Nội
  • Hợp tác Pháp Việt
anh2
Vinhomes Phạm Hùng

Xem nhiều nhất







vinhomes central park

biet thu vinpearl

vinhomes bason

thue may han

sua may han

sua may han gia re

sua may han mig

may han

sua may han

may han hong ky

© LUATSUNGAYNAY.VN

Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013
Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com
Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn.
 NukeViet is registered trademark of VINADES.,JSC