Lật mặt "thiếu tướng tình báo" giàu nhất Việt Nam

Với chiêu bài mua trang trại để phục vụ "anh em thương binh trên địa bàn có nơi sinh hoạt, làm ăn", vị "thiếu tướng tình báo" đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ lừa đảo từ TP.HCM đến Nghệ An.
Đối tượng Lê Thanh Hiển
Do mâu thuẫn với vợ con, Lê Thanh Hiển (1950, trú xã Nghi Phong, H. Nghi Lộc, Nghệ An) đã bỏ nhà đi lang thang. Để kiếm sống, Hiển nghĩ cách lừa đảo khi tự phong mình cấp hàm "thiếu tướng, công tác tại Cục Tình báo Bộ Quốc phòng, là một trong những người giàu nhất Việt Nam" và đi lừa
"Thiếu tướng tình báo giàu có"

Đầu tháng 5.2013, vợ chồng ông Nguyễn Văn Linh và bà Lê Thị Hường (trú xã Khánh Sơn, H. Nam Đàn, Nghệ An) được Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã dẫn một vị khách lạ đến giới thiệu là "Thiếu tướng Lê Thanh Hiển - Cục phó Cục Tình báo Bộ Quốc phòng". 

Qua câu chuyện, "thiếu tướng" Hiển tự giới thiệu mình là một trong 7 người giàu có nhất Việt Nam, nay đang đi tìm lại đồng đội một thời chiến đấu trên chiến trường Campuchia để tập hợp và tri ân. Biết được vợ chồng ông Linh, bà Hường có trang trại nên tới đề xuất mua lại để "anh em thương binh trên địa bàn có nơi sinh hoạt và làm ăn". 

Trước cái giá 720 triệu đồng mà vị "thiếu tướng" đưa ra, vợ chồng ông Linh gật đầu ngay, bởi trang trại của họ thực chất chỉ có giá trị khoảng 200 triệu đồng. Trong khi chờ làm thủ tục và kế toán chuyển khoản, "thiếu tướng" đề nghị gia đình cho mượn tạm 10 triệu đồng để "lo việc riêng" vì tiền bạc đều trong tài khoản ngân hàng, và dĩ nhiên gia chủ vui vẻ đáp ứng ngay.

Không dừng lại ở đó, "thiếu tướng" Hiển còn gợi ý, nhờ vợ chồng ông Linh đưa đến gặp ông Nguyễn Mạnh Hùng (1955, trú cùng xã) để giới thiệu vì ông Hùng cũng là CCB, lại có một xưởng gỗ đang ăn nên làm ra. 

Cũng với chiêu bài cũ, "thiếu tướng" Hiển đã thuyết phục ông Hùng ký vào bản hợp đồng soạn sẵn, có nội dung "dựng một ngôi nhà gỗ trị giá 6 tỷ đồng tại khuôn viên trang trại ông Linh để làm nơi sinh hoạt cho CCB trong xã". 

Có được hợp đồng kinh tế lớn này, nên khi Hiển mở lời mượn tạm 15 triệu đồng để "lo việc riêng", ông Hùng vui vẻ đưa ngay. Thế nhưng, sau khi cầm tiền, "thiếu tướng" đã lặng lẽ "lặn" khỏi địa bàn.

Rời H. Nam Đàn, "thiếu tướng" Lê Thanh Hiển "đáp" đến địa bàn H. Anh Sơn. Tại đây, với mác "thiếu tướng Cục Tình báo", không khó để Hiển tiếp cận Hội CCB và có được danh sách các hội viên cũng như điều kiện kinh tế từng người. 

Sau khi nắm thông tin hội viên, Hiển ăn vận gọn gàng rồi gõ cửa gia đình ông Nguyễn Hữu Kim (1956, trú xã Khai Sơn) bởi ông Kim có một trang trại chăn nuôi khá rộng, tọa lạc gần QL7A. Cũng với chiêu bài giới thiệu hoành tráng về bản thân mình, Hiển ngỏ ý mua lại trang trại của ông Kim để "làm nơi gặp gỡ, sản xuất cho anh em thương binh" với giá 32 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với giá trị thực. 

Để làm tin, vị "thiếu tướng tình báo" gọi điện thoại cho "kế toán" và bật loa ngoài để ông Kim cùng nghe. Qua điện thoại, "thiếu tướng tình báo" yêu cầu "kế toán" chuyển gấp 40 tỷ đồng. Đầu dây bên kia, giọng "kế toán" vọng sang, rằng hiện nhiều hợp đồng chưa giải ngân, chỉ còn đúng 32 tỷ và sẽ chuyển trong ngày mai.


Sáng hôm sau, Hiển đề nghị mượn của ông Kim 9 triệu đồng để nếu gặp CCB nào có hoàn cảnh khó khăn thì giúp đỡ, đồng thời không quên dặn ông Kim chuẩn bị cho mình một túi du lịch để đi rút tiền ở ngân hàng. Qua ông Kim, Hiển còn nhờ kêu gọi tập hợp anh em CCB trên địa bàn đến để bàn chuyện khai thác trang trại mà mình vừa mua lại của ông Kim. 

Anh em CCB hết sức cảm động trước "lòng tốt" của "thiếu tướng" nên góp tiền để Hiển gọi taxi xuống TT Đô Lương (cách khoảng 30km) để rút tiền ở ngân hàng. Để làm tin, Hiển xin mọi người cử một CCB có võ nghệ cùng đi với mình để đề phòng bất trắc dọc đường khi mang số tiền lớn. 

Trên đường đào tẩu, Hiển còn ghé nhà ông Kim "móc" thêm 6 triệu đồng nữa. Sau khi xuống đến TT Đô Lương, Hiển vờ tạt qua một ngân hàng rồi quay ra thông báo việc nhận tiền có chút trục trặc và bảo người đi cùng cứ yên tâm về trước. Sau khi "cắt" được "đuôi", Hiển trốn biệt.

Lật mặt "thiếu tướng Cục Tình báo"

Về phía các nạn nhân ở H. Nam Đàn, sau khi thấy "thiếu tướng" một đi không trở lại, gọi vào 2 số điện thoại để lại thì chỉ nhận được tín hiệu ò í e nên mới tá hỏa biết mình bị lừa, làm đơn trình báo CAH Nam Đàn. 

Nhận được tin báo, lãnh đạo CAH Nam Đàn đã cử đội nghiệp vụ khẩn trương vào cuộc, xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ thông tin bị hại cung cấp, chân dung đối tượng đã được dựng lên. 

Tuy nhiên, phải ròng rã suốt 3 tháng trời điều tra, xác minh, với sự giúp đỡ của CA các đơn vị, địa phương, đến ngày 24-8, CQĐT CAH Nam Đàn mới bắt được vị "thiếu tướng tình báo" Hiển khi y đang thực hiện một vụ lừa đảo với chiêu thức tương tự tại xã Kim Thành, H. Yên Thành, Nghệ An.

Tại CQĐT, bước đầu "thiếu tướng" Hiển khai nhận: Đầu năm 2013, do vợ chồng lục đục nên Hiển bỏ nhà đi. Lang thang không nghề nghiệp, Hiển nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản để kiếm sống. Trước đây từng ở quân ngũ nên Hiển đã chọn cách giả danh "thiếu tướng Cục Tình báo" để lừa những CCB. 

Theo Hiển, họ đều là những người chân thật nên dễ lừa nhất. Sau khi vào TPHCM, Hiển mua sắm trang phục ở chợ trời rồi tiến hành thực hiện các phi vụ lừa đảo tại đây. Sau khi thực hiện thành công hơn 10 vụ ở các tỉnh phía Nam, Hiển về quê ở Nghệ An tiếp tục "hành nghề".

Hiện CQĐT CAH Nam Đàn đang tạm giữ đối tượng để mở rộng điều tra. Vậy, những ai là nạn nhân của Lê Thanh Hiển hãy đến cơ quan CA trình báo để CQĐT sớm hoàn tất hồ sơ, truy tố đối tượng ra trước pháp luật.

Nguồn tin: danviet.vn