Công ty CP TID: Cố tình giăng bẫy khách hàng?

Thương hiệu & Công luận đã nhận được đơn thư của bà Vũ Thu Chung, người mua căn hộ tại Chung cư Dolphin Plaza (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), về việc bà bị chủ đầu tư (Công ty CP TID) dự án này cố tình nhập nhèm hợp đồng mua bán nhằm chiếm dụng vốn của khách hàng.
Ảnh minh họa

Nhập nhèm thời hạn…

Theo bà Vũ Thu Chung, ngày 28/12/2010 con gái bà là Nguyễn Mỹ Ngọc, đã ký Hợp đồng mua bán số DP/1130-3/HĐMB/TID và Hợp đồng hoàn thiện DP1130-3/HĐHT/TID, sau đó do việc riêng của gia đình đã đề nghị chuyển tên sang cho mẹ đẻ là bà Vũ Thu Chung. Việc sang tên này đã được chủ đầu tư chấp thuận. Khi ký lại hợp đồng, đại diện công ty thỏa thuận nội dung hoàn toàn không thay đổi. Khi ký hợp đồng mới, bà Chung đã cẩn thận hỏi lại xem “hợp đồng mới có nguyên văn hợp đồng cũ không?”. Ông Trưởng phòng kinh doanh DN này cam kết với bà Chung chắc chắn hoàn toàn như cũ nên bà Chung đã yên tâm ký vào hợp đồng. Khi về nhà, đọc lại và so sánh giữa 02 hợp đồng, bà phát hiện ra ngày bàn giao nhà đã bị đổi từ 30/11/2011 thành 31/05/2012, nghĩa là hợp đồng đã bị sửa chậm mất 06 tháng.

Bà Chung bức xúc: “Khi phát hiện ra việc sửa chữa ngày tháng bàn giao nhà, tôi đã điện thoại cho ông Trưởng phòng Kinh doanh hỏi xem tại sao nội dung hợp đồng giữ nguyên như cũ mà thời gian lại bị thay đổi như vậy thì nhận được câu trả lời “đây là nhầm lẫn của Phòng Pháp chế khi in văn bản, họ đã để ngày bàn giao nhà như đợt khách hàng mới mua sau này và quên là hợp đồng này mua từ đợt trước”. Ông ta đề nghị tôi mang hợp đồng lên để sửa lại. Đúng hẹn tôi đã mang hợp đồng tới phòng Kinh doanh, sau khi xem và điện thoại trao đổi với cán bộ Phòng Pháp chế, ông Trưởng phòng Kinh doanh đề nghị tôi về làm đơn trình bày để lãnh đạo công ty xin đính chính những sai sót đã xảy ra. Y lời họ, tôi đã làm đơn gửi đi, nhưng mãi không thấy công văn trả lời”.

Gian lận là… chủ trương của TID?

Bà Chung cho biết, sau khi gửi đơn, bà đã thường xuyên liên hệ với ông Long (sau này là Phó phòng Kinh doanh), vẫn được nghe những lời hứa hẹn, nhưng cũng không thấy câu trả lời cuối cùng.
Đến ngày 11/10/2013, bà Chung nhận được giấy hẹn đến công ty làm việc cùng Giám đốc Tài chính (bà Yến), đại diện Phòng Pháp chế (bà Chi). Lần này, họ không giải thích quanh co về việc sửa lùi 06 tháng ngày giao nhà trong hợp đồng là nhầm lẫn nữa, mà thẳng thừng tuyên bố đây là chủ trương của Công ty TID. Họ ngang nhiên tuyên bố đây là giao dịch dân sự ký rồi phải chịu. Trước sự trơ tráo đến trắng trợn và không muốn đôi co, bà Chung đề nghị trả lại hợp đồng cũ đứng tên con gái, song đại diện Công ty TID đã trả lời ngay là “không được” với lý do công ty đã xuất hóa đơn rồi.

“Tôi chính là khách hàng mà chẳng biết mặt ngang mũi dọc cái hóa đơn đó như thế nào. Họ đã xuất hóa đơn cả tỷ bạc cho ai? Phòng Pháp chế sai, Phòng Kinh doanh nhầm lẫn… Giờ thêm bộ phận tài chính nhập nhèm. Chẳng lẽ, một DN lớn như Công ty TID lại có thể sai sót có hệ thống đến như vậy?”, bà Chung thắc mắc.

Trong hợp đồng có ghi rõ “việc chậm bàn giao nhà không được kéo dài quá 90 ngày, quá thời hạn trên, bên bán phải chịu khoản lãi suất phạt với bên mua đã nộp theo mức 150% lãi suất kỳ hạn cho vay 01 năm của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam cho khoảng thời gian từ ngày thứ 91 chậm bàn giao đến khi bàn giao nhà cho bên mua”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty TID vẫn chưa bàn giao cho bà Chung căn hộ 5b/2-9 và đã chậm đến gần 02 năm. Bà Chung đã nhiều lần đề nghị, nhưng phía Công ty TID đã cố tình không thực hiện hợp đồng, không tính lãi phạt chậm bàn giao nhà theo như cam kết và bàn giao căn hộ.

Phải chăng, gian lận 06 tháng bàn giao căn hộ tại Dự án Dolphin Plaza là… chủ trương của TID? Việc gian lận này nhằm chiếm dụng vốn của khách hàng hay còn lý do nào khác? TID đã có kế hoạch “giăng bẫy” khách hàng từ trước? TID cố tình đặt khách hàng vào thế trở đi không được mà trở lại cũng  không xong?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Theo TS. Nguyễn An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Căn cứ vào Điều 307 – Luật Thương mại, Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại:

Tại khoản 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Và theo Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Điều 302. Bồi thường thiệt hại:

1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Vậy, căn cứ những điểm đã nêu thì Hợp Đồng của gia đình bà Chung đưa ra đã đủ các yếu tố để yêu cầu áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại với TID nếu TID không đưa ra được những bằng chứng cho thấy việc không giao nhà đúng theo thời hạn trong Hợp đồng là có lý do bất khả kháng.

 

 

Nhóm phóng viên

 

Nguồn tin: TH&CL