'Phải truy cứu hình sự người cho phép nhập khẩu sữa nhiễm độc'

Người tiêu dùng bàng hoàng trước thông tin nhiều loại sữa ngoại nhiễm độc.

Người tiêu dùng bàng hoàng trước thông tin nhiều loại sữa ngoại nhiễm độc.

"Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân chịu trách nhiệm trong đơn vị cho phép nhập khẩu sữa có chất độc vào Việt Nam được. Vì cán bộ công chức của chúng ta thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc là có dấu hiệu về tham nhũng...", luật sư Lương Văn Tuấn, trưởng văn phòng luật sư Hà Nội Mới cho hay.rn rn

Khiếp hãi sữa độc gây tê liệt thần kinh

Trong thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam liên tục "thất kinh" khi nghe thông tin về thực phẩm mà gần đây nhất là thông tin về những loại sữa ngoại đắt tiền bị nhiễm độc phải thu hồi. Đó là sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q  của hãng Abbott và hãng sữa Dumex với sản phẩm là Dumex Gold bước 2 loại 800g. Hai loại sản phẩm này bị nhiễm Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn có chứa những chất độc cực mạnh và có thể phá hủy hệ thần kinh của con người nếu ăn phải. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, chất này có thể gây tê liệt thần kinh. Nó còn có thể gây ra ngộ độc dẫn đến  chứng bại liệt nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Thông tin sữa có thành phần cực độc này không phải do phía các cơ quan chức năng của nước ta phát hiện mà do phía tập đoàn sữa Fonterra của New Zealand đưa ra thông báo thừa nhận một loại nguyên liệu được dùng trong nhiều loại sản phẩm dinh dưỡng, bị phát hiện có nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum. Hãng thừa nhận, vi khuẩn độc hại này đã được tìm thấy trong ba lô sản phẩm của Fonterra được sử dụng ở sữa bột cho trẻ sơ sinh. Theo đó, những công ty nhập nguyên liệu từ tập đoàn này cũng phải công bố sản phẩm của mình bị nhiễm độc.

Theo công bố của cục An toàn thực phẩm, bộ y tế, tính đến chiều 7/8, công ty TNHH Danone Việt Nam đã thu hồi được 93 lon sữa Dumex Gold bước 2 loại 800g (trong tổng số 190 lon bán ra thị trường) thuộc số lô 300513R1. Còn văn phòng Đại diện Abbott tại Việt Nam thì cho biết, tính đến hết ngày 6/8, đã thu hồi 12.083 thùng trên tổng số 13.163 thùng Similac GainPlus Eye-Q mới (số 3, dành cho trẻ 1-3 tuổi, loại hộp 400g và 900g) đã bán ra thị trường. Như vậy, Abbott còn hơn 1.000 thùng sữa nghi nhiễm khuẩn cần phải thu hồi, tăng thêm 236 thùng so với báo cáo trước đây.

Ngoài ra, các sản phẩm Karicare Formula số 1 (cho trẻ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31/12/2014, cục An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam đã có công văn số 1581/ATTP-SP ngày 4/8 yêu cầu công ty TNHH MTV Dinh Dưỡng châu Úc, đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam, thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare.

Từ khi có thông tin sữa bị nhiễm độc, người tiêu dùng vô cùng hoang mang dù đã sử dụng sữa thuộc lô nhiễm độc hay không. Chính vì thế mà thị trường sữa từ sau khi có thông tin thu hồi sữa do nghi nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum (khuẩn độc thịt - C.Botulinum, gây liệt cơ) đìu hiu hẳn. Một nhân viên cửa hàng sữa ở phố Tây Sơn (Hà Nội) cho biết, bình thường, các sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng bán rất chạy nhưng mấy hôm nay vắng hẳn. Họ lo lắng với chất lượng sữa.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, luật sư Lương Văn Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Hà Nội Mới cho rằng: Những người cho phép nhập loại sữa có chất độc về Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì họ đại diện cho cơ quan Nhà nước, họ có trách nhiệm phải kiểm định để xem sản phẩm đó có đáp ứng tiêu chuẩn ở Việt Nam hay không, đáp ứng tiêu chuẩn mà hãng sữa đã công bố hay không. Các tiêu chuẩn đó không đúng với tiêu chuẩn công bố mà vẫn cho nhập thì đương nhiên người cho phép nhập ấy là sai.

Ông Tuấn cho biết, không đồng tình với quan điểm của cục An toàn thực phẩm cho rằng sữa độc vào Việt Nam là một rủi ro. "Không thể coi đó là rủi ro được, vì tất cả người tiêu dùng mà cụ thể là các cháu bé, thế hệ tương lai của đất nước không thể bị rủi ro. Nhà nước lập ra các cơ quan là để ngăn ngừa rủi ro cho nhân dân, phải làm nhiệm vụ kiểm định chất lượng. Người dân không thể nhìn vào sữa để biết được là sữa đó có độc hại hay không"- luật sư Tuấn nói.

Vị luật sư này cho rằng: "Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân nào chịu trách nhiệm ở các đơn vị cho phép nhập khẩu sữa có chất độc vào Việt Nam được. Vì cán bộ công chức của chúng ta thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc là có dấu hiệu về tham nhũng. Nếu như cơ quan điều tra điều tra có việc nhận hối lộ để những lô hàng đó vào trong nước thì đó là hành vi tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không có hành vi đó thì cũng bị xem xét đến việc thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, cần quy trách nhiệm đơn vị cấp phép cho sữa có chứa chất độc vào Việt Nam. Ông cho hay, theo quy định, bất cứ sản phẩm, đặc biệt với mặt hàng thực phẩm như sữa thì trước khi được đưa vào tiêu thụ ở thị trường Việt Nam các mẫu thực phẩm này phải được đưa đến cục An toàn thực phẩm để xét nghiệm. Sau đó nếu các mẫu lấy từ các sản phẩm này đảm bảo các tiểu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ được cấp giấy phép được nhập khẩu và đưa vào thị trường Việt Nam.

Người tiêu dùng mua phải sản phẩm sữa có chứa chất độc chịu thiệt hại về tiền và sức khỏe. Theo luật Bảo vệ Người tiêu dùng, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đền bù.    

 

Luật xưa xử lý rất nặng

Theo luật sư Lương Văn Tuấn: Trong luật cổ của chúng ta thời ngày xưa, mà cụ thể là trong Quốc triều hình luật, những người đảm nhận nhiệm vụ “quản lý thị trường” để xảy ra tình trạng hàng giả hàng, hàng lậu thì sẽ bị phạt nặng như: Cách chức, xử lý về mặt hình sự như đánh đòn, bồi thường... Hiện nay pháp luật của chúng ta hiện đại, cách Quốc triều hình luật 400-500 năm nhưng vẫn chưa theo được pháp luật cổ. 

Những vụ phát hiện ra chất độc hại trong thực phẩm... không thấy ai bị xử lý cả.


Tác giả bài viết: Thành Huế

Nguồn tin: nguoiduatin.vn