Những thay đổi lớn về Luật Bảo hiểm xã hội

Tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính lương hưu, lập “sàn lương hưu tối thiểu”, quản lý chặt Quỹ BHXH, chi phí quản lý không được lấy từ tiền đóng của người lao động... là những thay đổi lớn trong Luật BHXH (sửa đổi) lần này.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật này.

Bà nhận định thế nào khi nhiều ý kiến lo lắng nguy cơ bị vỡ quỹ BHXH?

Bà Trương Thị Mai: Tỷ lệ thu/chi đang có hiện tượng tăng chi nhưng giảm thu. Vì vậy, nguy cơ vỡ quỹ không phải xa xôi. Muốn vậy cần điều chỉnh chính sách với mức đóng - hưởng và tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động như tăng thời gian làm việc, tăng thời gian đóng BHXH, giảm thời gian hưởng và một số chính sách khác thì sẽ giãn nguy cơ vỡ quỹ. Đồng thời, giảm trợ cấp một lần thì người tham gia BHXH sẽ nhiều hơn, tăng đối tượng đóng BHXH, bổ sung đối tượng là học viên của quân đội, công an, bổ sung người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại xã, phường, khuyến khích bảo hiểm tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước... nhiều người tham gia và tăng thời gian đóng BHXH, tăng thời gian làm việc thì sẽ giảm nguy cơ vỡ quỹ.

Có ý kiến cho rằng, việc quản lý quỹ BHXH của Cơ quan BHXH có vấn đề làm thất thoát quỹ, có trường hợp khó thu hồi (như việc cho Công ty cho thuê tài chính 2 vay) cũng như chi phí quản lý của ngành còn cao, gây bức xúc trong nhân dân bởi đây là tiền của người lao động đóng góp để hưởng lúc nghỉ hưu. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Bà Trương Thị Mai: Nói công bằng, việc quản lý quỹ của Cơ quan BHXH là quản lý theo luật, nghĩa là thu/chi theo luật, như thế là an toàn (trừ việc cho Công ty cho thuê tài chính 2 vay, chỉ ảnh hưởng đến một phần công tác quản lý quỹ thôi). Còn đầu tư như hiện nay của BHXH là gửi vào các ngân hàng Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, dù mức sinh lời thấp nhưng an toàn.

Về chi phí cho quản lý bộ máy cũng là câu chuyện phải bàn. Ủy ban cho rằng dứt khoát chi phí quản lý bộ máy của cơ quan này phải lấy từ tiền lời, không lấy từ tiền đóng BHXH của người lao động và doanh nghiệp. Về tỷ lệ phần trăm chi phí cho quản lý, theo tôi, đưa ra tỷ lệ bao nhiêu cần tính toán nhưng chúng tôi đề nghị Cơ quan BHXH Việt Nam cứ định kỳ 3 năm phải báo cáo tỷ lệ chi phí quản lý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét chi phí quản lý như thế đã hợp lý chưa.

Chúng tôi cũng kiến nghị Cơ quan BHXH phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, cải cách bộ máy, tăng cường xã hội hóa như thuê Bưu điện chi trả và thu trên địa bàn mà không cần tổ chức bộ máy của mình, thuê cơ quan thuế thu trong khối doanh nghiệp... thì chi phí quản lý cho bộ máy sẽ giảm dần, theo quá trình sẽ hợp lý và hiệu quả hơn.

Tóm lại, chi phí quản lý phải lấy từ tiền sinh lời và giảm dần, từng bước tăng hiệu quả và cải cách bộ máy BHXH, như vậy mới đáp ứng được sự tin cậy của người dân đối với chính sách an sinh xã hội.

Thưa bà, trăn trở của bà đối với Luật BHXH (sửa đổi) lần này là gì, bởi đây là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay?

Bà Trương Thị Mai: Nếu như các loại bảo hiểm khác (như y tế, tai nạn, thất nghiệp) đều là bảo hiểm ngắn hạn thì BHXH là bảo hiểm hưu trí. Chính sách này được xem là trụ cột số 1 trong toàn bộ chính sách bảo hiểm. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải thực thi pháp luật nhằm bảo đảm cho người lao động sau thời gian dài đóng BHXH thì sẽ được hưởng chế độ trợ cấp lương hưu, giảm rủi ro khi về già.

Đặc biệt, Dự thảo Luật lần này quy định sẽ giao sổ BHXH cho người lao động quản lý, qua đó họ sẽ giám sát và nắm bắt được cụ thể, chính xác quá trình đóng được bao nhiêu năm để lúc về hưu sẽ được hưởng ra sao. Lâu nay, ta không đưa sổ BHXH cho người lao động giữ thành ra có nhiều người lao động không biết mình đóng BHXH được bao nhiêu năm, đóng bao nhiều tiền. Thế nên làm điều này cũng góp phần cho người lao động có trách nhiệm tự bảo đảm an sinh cho mình... Đồng thời, dự Luật cũng thiết lập “sàn lương hưu tối thiểu” để sau này trong quá trình đóng góp, có những người lao động phổ thông mức đóng thấp nên lương hưu thấp, nếu dưới mức sàn lương hưu tối thiểu sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

Nếu chúng ta hỗ trợ cho người đóng bảo hiểm tự nguyện tham gia bảo hiểm hưu trí như “người dân đóng một, Nhà nước hỗ trợ một” thì số lượng người tham gia sẽ tăng hơn nhiều so với con số 150.000 người hiện nay.

Quan điểm chính thức của bà về việc tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào?

Bà Trương Thị Mai:  Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được Ủy ban về các vấn đề xã hội trình; Điều 187 Bộ luật Lao động cũng có quy định cho phép tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm quản lý, chuyên môn kỹ thuật. Bộ luật Lao động cũng cho phép người lao động trong môi trường độc hại nguy hiểm, địa bàn khó khăn có thể giảm tuổi nghỉ hưu, việc tăng hay giảm trong vòng 5 tuổi; Chính phủ cũng đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu Vậy vấn đề là lựa chọn cách đi mà thôi. Tôi ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình hợp lý, phù hợp với điều kiện KTXH.

Sắp tới, từ ngày 1/1/2018 sẽ chuyển cách tính lương bình quân của người lao động trong suốt quá trình đóng BHXH. Theo đó, người nào đóng BHXH lần đầu tiên từ ngày 1/1/2018 mới thực hiện theo chính sách này và sau khoảng 20 năm, người đó mới hưởng lương hưu bình quân cả cuộc đời. Nếu chuyển cách tính ngay từ bây giờ sẽ mâu thuẫn với chính sách lương hưu của chúng ta trải qua nhiều thay đổi trong thời gian qua.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn tin: chinhphu.vn