“Bóp mồm” người lao động để dồn lương cho lãnh đạo

Đây là thực trạng xảy ra tại một số doanh nghiệp khối công ích trực thuộc UBND TP.Hồ Chí Minh và đã được Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà kết luận tại thông báo số 623/TB-VP ngày 26.8.
Sếp của công ty thoát nước hưởng lương 3,2 tỉ đồng/năm, nhưng TPHCM vẫn ngập thường xuyên mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: Internet
“Ăn” lương, trốn BHXH

Theo đó, tại Cty TNHH một thành viên (MTV) thoát nước đô thị đã sử dụng quỹ lương của NLĐ để chi tiền lương, tiền thưởng cho 7 cán bộ quản lý sai quy định với số tiền trên 3,2 tỉ đồng. Còn tại Cty TNHH MTV công trình giao thông Sài Gòn, cũng có 7 cán bộ quản lý “ăn” vào quỹ tiền lương, tiền thưởng của NLĐ số tiền hơn 554,2 triệu đồng. 

Lương của Giám đốc Cty TNHH MTV thoát nước đô thị là 2,6 tỉ đồng/năm, gấp 41 lần lương bình quân của CN thời vụ. Tương tự, tại Cty TNHH MTV chiếu sáng công cộng, trong khi lương của NLĐ mùa vụ chỉ có 7,8 triệu đồng/người/tháng, thì lương của giám đốc là 2,2 tỉ đồng/năm, lương Chủ tịch HĐTV là 2,4 tỉ đồng/năm. 

Hàng trăm CN tại các DN này còn bị tước đoạt các quyền lợi khác. Chẳng hạn, Cty TNHH MTV thoát nước đô thị đã ký HĐLĐ mùa vụ với 163 lao động thường xuyên và ký HĐLĐ có thời hạn với 355 trường hợp đủ điều kiện ký HĐLĐ không xác định thời hạn, vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Lao động. Còn tại Cty TNHH MTV công trình giao thông Sài Gòn, cũng có 214 lao động bị ký HĐLĐ không đúng quy định. 

Sẽ khôi phục quyền lợi cho NLĐ

Trước các sai phạm rõ ràng của các DN trên, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - đã yêu cầu các DN này khôi phục các quyền lợi của NLĐ đã bị Cty tước đoạt từ những năm trước đến nay và đền bù thiệt hại cho họ, do việc áp dụng chế độ bất bình đẳng. Các Cty này còn phải kiểm tra nội bộ để tự phát hiện chi tiền lương, thưởng cho các viên chức quản lý sai quy định của những năm trước 2011, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai. 

Ông Hà cũng chỉ đạo Sở LĐTBXH xử phạt hành vi vi phạm pháp luật lao động của các công ty trên, mở rộng thanh tra tình hình tại những công ty này các năm trước 2011 và thanh tra thêm Công ty công trình cầu phà. “Sở LĐTBXH phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và các cá nhân sai phạm” - ông Hà nhấn mạnh.

Trong ngày 27.8, phóng viên Báo Lao Động đã chủ động liên hệ với lãnh đạo, thậm chí đến các Cty có sai phạm trên để tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc gọi đều không có người nghe máy hoặc được nhân viên trả lời các lãnh đạo đi vắng hết. 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Vũ Thị Ngoãn - Chủ tịch CĐ Sở GTVT TPHCM, CĐ cấp trên trực tiếp của các CĐ cơ sở 4 DN trên - cho biết, hiện CĐ sở chưa nhận được kết luận chính thức của UBND TPHCM. CĐ mới chỉ biết thông tin qua báo chí và đã yêu cầu các CĐ cơ sở báo cáo ngay. Quan điểm của CĐ là sẽ yêu cầu các DN phải bảo đảm đầy đủ các quy định của pháp luật đối với NLĐ, trước mắt là phải ký đúng HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho những CN đủ điều kiện. Đức Long

 
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh: Xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng

Theo khoản 2, điều 8 Nghị định 47/2010/NĐ-CP ngày 6.5.2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động quy định trường hợp doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động không đúng loại thì sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng (khi vi phạm với từ 101 người đến dưới 500 người lao động). Trường hợp vi phạm với từ 500 người lao động trở lên thì bị phạt tiền từ 7-10 triệu đồng. 

Ngoài ra, hai công ty này buộc phải tiến hành giao kết đúng loại hợp đồng theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các cá nhân sai phạm thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật về viên chức và pháp luật về lao động, theo đó có thể khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức, sa thải đối với người lao động.

Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn Vũ Quang Thọ: Phải truy tới cùng cơ quan nào xét duyệt đồng ý chi một mức lương “khủng”

Việc trả lương cho giám đốc cao gấp 41 lần người lao động là không thể chấp nhận được. Việc làm này sẽ gây bất bình đẳng, bức xúc trong dư luận. Nếu kéo dài, sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn xã hội. Cần phải xem xét lại mức khoán quỹ lương thế nào để chi trả cho người lao động, đồng thời xem người lao động nhận mức lương như vậy đã tương xứng với sức lao động họ đã bỏ ra chưa? Đặc biệt, phải truy tới cùng cơ quan nào xét duyệt đồng ý chi một mức lương “khủng” như vậy.

Nguồn tin: laodong.com