Rss Feed
13:16 EDT Thứ sáu, 17/05/2024
Y nghiệp là sự nghiệp rất lớn, rất rộng của đời sống con người. May thay, đến nay con người đã khá đầy đủ kiến thức, tri thức về những gì có ở bên trong con người, để nuôi sống, để chăm sóc, để chữa và điều trị, để điều dưỡng và chăm bẵm, tẩm bổ. Vậy, điều gì là mối quan hệ và quan trọng vào bậc nhất của những điều trên đây (xin tạm kê biên ra ở trên đây). Người viết bài này xin được thưa: Ấy là nhân văn của y nghiệp. Nói đúng và đầy đủ là nền móng nhân văn của y nghiệp.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khổng Tử có nói rằng: “Giải luận đến chữ nhân, phải dành cả một đời người mới nói được thấu đáo, mà cũng chưa chắc đâu. Vì không phải ai cũng biết giải luận”. Câu nói của Khổng Tử hàm ẩn một chữ nữa, đó là chữ văn. Vâng, văn như chúng ta đều hiểu: Ấy là đạo đức lễ giáo, đạo lý luân giao trong quan hệ giữa những người văn minh, những người có giáo dục. Đó là sự yêu thương, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, đó là sự lương thiện, sự trung tín, sự nhu mì, sự tiết độ. Đó là nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Đó là sự chia sẻ, biết lắng nghe nhau, là sự tôn quý và trọng thể; là sự cao cả và hiểu biết sâu sa những gì là phạm vi của thiêng liêng, của đời sống bên trong con người. Cuối cùng đó là sự tuyệt đối chính xác. Trong y nghiệp không thể có sai lầm; không thể có cái gọi là chưa đến nơi đến chốn; không thể có cái gọi là qua loa, đại khái, chăng chớ, cốt cho xong. Và, càng không thể có cái gọi là sự khiếm khuyết của một trách nhiệm. Vì cận kề ngay trước mặt của y nghiệp là con người, sống hoặc chết, hoặc chí ít cũng là ngày càng trầm trọng của một ai đó là bệnh nhân.

Những gì có ở trên đây là nhân văn; còn có nền, còn có móng nhân văn của y nghiệp. Còn có hai chữ nữa cũng xin được nói rõ thêm: Nghề là chỉ thị về một chuyên môn. Còn nghiệp là chỉ thị về sự trường tồn, là vĩnh hằng, là mãi mãi của vai trò một chuyên môn nào đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ đầu năm 1946 Bác được Quốc hội đầu tiên của nước ta bầu là Chủ tịch nước, đến năm Bác về với hai cụ Các Mác và Lê-nin, có tất cả khoảng hai mươi ba năm. Giữa vô vàn các công việc trị quốc, kháng chiến, của kiến thiết, xây dựng đất nước, Bác luôn luôn quan tâm một cách khăng khít, sít sao đến y nghiệp của nhân dân ta.

Ngày mồng 8/1/1947, Bác Hồ gửi Thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương và sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ, cứu thương.  Thư như sau:

Bức thư thứ nhất:

“Cùng các nam nữ chiến sĩ bị thương,

Tôi tiếp được nhiều thơ nam nữ chiến sĩ bị thương, hăng hái hứa với tôi rằng: hễ vết thương khỏi thì lại xin ra trận.

Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quí.

Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ, để gìn giữ đất nước. Nay đã bị thương mà còn ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quí như thế.

Tôi thay mặt Chính phủ hỏi thăm và chúc anh chị em mau lành mạnh.

Các anh em thầy thuốc và chị em khán hộ,  cứu thương,

Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách rất chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc.

Tôi thay mặt anh chị em thương binh cảm ơn các bạn, và khuyên các bạn gắng sức.

Tôi gửi cho tất cả mọi người trong nhà thương lời chào thân ái và quyết thắng.

Chủ tịch Chính phủ

Việt Nam dân chủ Cộng hòa

HỒ CHÍ MINH

(Chép trong Hồ Chí Minh toàn tập, trang 13, tập 5, 1947-1949)

Cặp từ gốc chữ Hán Việt khán hộ có nghĩa là: gìn giữ, giúp đỡ và che chở. Không rõ từ khi nào hai từ khán hộ này không còn, mà thay vào có lẽ là hai từ hộ lý. Thôi thì bây giờ đã dùng thế rồi quen thế.

Trong bức thư trên, Bác Hồ đã khen ngợi: Các thầy thuốc và anh chị em khán hộ, cứu thương đều hết lòng săn sóc thương binh một cách rất chu đáo. Bác Hồ đã biểu dương, đã khen ngợi những người trong y nghiệp là đều hết lòng săn sóc. Đây cũng là đức tính đầu tiên và vô cùng quan trọng trong nền móng nhân văn của y nghiệp. Và nó cũng hàm nghĩa dẫu sa sút, kém cỏi, chỉ một chút ít thôi, cơ sự sẽ là hỏng, sẽ dẫn ngay đến một hệ quả khôn lường; với đối tượng của y nghiệp là con người. Và cũng trong câu trên, Bác Hồ đã dùng cặp từ hết lòng, đây là hai tiếng người đời vẫn nói. Chúng ta cũng gọi là câu cửa miệng. (Có một điều rất đặc biệt, tất cả các thư từ Bác gửi đến bất cứ đâu và cho bất cứ ai, Bác Hồ đều dùng từ ngữ của dân chúng hàng ngày. Còn trong ngữ nghĩa Hán Việt thì cặp từ hết lòng là tận tâm). Xin được nói thêm, đây là cặp từ hàm súc một nghĩa lớn, bởi nó nói rằng trong thâm tâm của người làm y nghiệp đã nghĩ, đã cảm, và tất cả kiến thức đã có được, trước sự thương sự đau của bệnh nhân, thì hãy đem tất cả ra mà chữa lành cho họ. Đây nữa, là nền móng nhân văn của y nghiệp trong đạo đức Hồ Chí Minh.

Thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu” (20/4/1963).

Bức thư thứ hai:

Thư gửi Hội nghị Quân y.

Nhân dịp này tôi gửi lời chào thân ái hỏi thăm các đại biểu và nhờ các đại biểu chuyển lời hỏi thăm tất cả các nhân viên nam nữ trong quân y.

Từ ngày kháng chiến đến nay, quân y phát triển rất khá và các bác sĩ, khán hộ, cứu thương, ai cũng chịu khó, cố gắng. Đó là những điểm rất tốt.

Song, quân y cũng như mọi việc khác, chúng ta đang mới mẻ, chúng ta còn nhiều khuyết điểm. Chúng ta phải cố gắng nữa để tiến bộ hơn nữa.

Sau đây là những ý kiến của tôi về vấn đề quân y:

1. Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu.

Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hoá họ. Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền. (Cố nhiên, chính trị viên nên phải chú ý những ca như thế, nhưng là một vấn đề khác.)

2. Chúng ta vừa kháng chiến và kiến quốc. Vì vậy, nhân tài về chuyên môn, nhất là nhân tài về môn y tế, chỉ sẽ thiếu chứ chưa có thừa. Vì vậy, các ngành chuyên môn, nhất là ngành thuốc, sẽ được đặc biệt trọng đãi, tất nhiên ngành thuốc phải cố gắng làm thoả mãn nhu cầu của đồng bào.

3. Bộ đội ta thì nhiều, mà nhân tài quân y ta thì còn thiếu. Vì vậy, ta phải có những cơ quan quân y lưu động. Cơ quan ấy thì khó nhọc hơn. Vậy tôi mong rằng Hội nghị sẽ có kế hoạch để thành lập những cơ quan và anh em sẽ xung phong phụ trách những cơ quan đó. Cố nhiên những nhân viên trong cơ quan lưu động phải được đặc biệt chăm sóc về mọi phương diện.

4. Nhân viên quân y ai cũng cố gắng, nhưng bộ đội vẫn còn ốm nhiều. Một mặt là vì thiếu thốn. Một mặt khác là vì sự kiểm soát thuốc men chưa được chu đáo.

Vì vậy, Hội nghị cần phải chú ý thiết thực về việc đó. Và anh em quân y, từ cấp trên đến cấp dưới, cần phải lấy việc đó làm trách nhiệm danh dự của mình.

5. Ngày nay, từ các bộ trong Chính phủ cho đến bộ đội và nhân dân, đang mở cuộc vận động thi đua. Quân y cũng nên hăng hái tham gia cuộc thi đua ấy. Tôi thay mặt Chính phủ mà hứa rằng: người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được thưởng.

Tôi mong rằng Hội nghị sẽ định một chương trình thiết thực để sửa chữa những khuyết điểm và phát triển những ưu điểm của quân y, để làm cho quân y ngày càng tiến bộ.

Chúc Hội nghị thành công

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 3 năm 1948

HỒ CHÍ MINH

(Chép trong Hồ Chí Minh toàn tập, tr. 395 tập 5, 1947-1949)

Bức thư của Bác đến nay đã tồn tại 65 năm. Năm điều Bác viết trong thư về y nghiệp (phần việc trong quân đội) đến nay vẫn còn hiện hữu, dẫu đã bao nhiêu đổi thay. Và đổi thay rất lớn là y nghiệp quân đội đã có những cống hiến khổng lồ, từ tham gia cứu thương và điều trị cho hàng ngàn chiến thương tại mặt trận Điện Biên Phủ 1954, rồi suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trên hệ thống đường Hồ Chí Minh dài hàng chục ngàn cây số, y nghiệp quân đội đã rải các bệnh xá, các bệnh viện dã chiến trú đóng dọc theo hệ thống đường này và mỗi trạm xá, bệnh xá cứu thương chữa bệnh chỉ cách nhau dăm ba ki-lô-mét từ Hà Tĩnh vào đến miền Đông Nam Bộ. Hàng trăm ngàn quân nhân vào các chiến trường đều khoẻ mạnh. Hàng trăm ngàn quân nhân xong nghĩa vụ trở về Bắc đều khoẻ mạnh.

Trong điều 1 Bác nói đến những hiện trạng đau lòng của những quân nhân trong tình trạng xử sự với các thầy thuốc và khán hộ, cứu thương. Rồi Bác khuyên những người trong y nghiệp như sau: Gặp những trường hợp như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm hoá họ. Bác đề cập đến một nền tảng rất lớn: Lấy lòng nhân loại và tình thân ái. Từ câu trên đã hiện rõ trước chúng ta rằng y nghiệp có bản thể là nhân loại, mang tính nhân loại. Chuyên môn và công việc, hết thảy những gì cần có trong y nghiệp, thì ở bất cứ đâu, nước ta hay nước ngoài đều như nhau.

Có một câu chuyện được kể lại như sau: Trên một chuyến bay của một cầu hàng không quốc tế nọ, giữa đường bay, trong cabin có tiếng từ loa vang ra cho hành khách: “Có vị nào là thầy thuốc hoặc y tá xin cho chúng tôi biết để giúp đỡ một sản phụ đang trở dạ?”. Tiếng loa vừa dứt thì dọc dài hai hàng ghế có một cánh tay giơ cao của một phụ nữ da màu có quốc tịch của một quốc gia tại châu Phi. Còn sản phụ đang rất cần cứu giúp là người có quốc tịch tại một nước thuộc châu Âu. Bác Hồ khuyên các thầy thuốc khi gặp phải bệnh nhân xử sự không được như ý thì nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm hoá họ. Sự hết lòng với người bệnh, sự vì người bệnh mà đem lại bình an, sức khoẻ; sự vị tha, biết ngay tức khắc bỏ qua tất cả những gì không được như ý để săn sóc nâng đỡ và cứu giúp duy nhất là cảm xúc lớn của cả nhân loại. Và chỉ có như thế chất lượng của việc điều trị mới hoàn hảo. Những điều trên đây là thành tố nền móng nhân văn của y nghiệp trong đạo đức Hồ Chí Minh

 

Nguồn tin: CAND online
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Chu nhiem

LAWYER TODAY TV

  • Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội làm việc với UBND thành phố Hà Nội
  • Hợp tác Pháp Việt
anh2
Vinhomes Phạm Hùng

Xem nhiều nhất







vinhomes central park

biet thu vinpearl

vinhomes bason

thue may han

sua may han

sua may han gia re

sua may han mig

may han

sua may han

may han hong ky

© LUATSUNGAYNAY.VN

Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013
Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com
Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn.
 NukeViet is registered trademark of VINADES.,JSC