Bà nội tôi mất cách đây 1 năm, không để lại di chúc (ông nội cũng đã qua đời trước bà nội lâu rồi). Bà nội có 5 người con. Bà để lại mảnh đất và ngôi nhà trên đất đó. Ngoài ra còn có 2 cây vàng (bà nội cho cô Sáu tôi mượn để làm ăn nhưng cô Sáu cố tình không trả). Chú 7 đã chết (chú có 1 vợ và 4 đứa con). Tuy nhiên, trước đây thì bà nội đã cho chú Chín tôi một phần đất nhỏ để ở (phần đất này thuộc mảnh đất của bà nội tôi nêu trên nhưng không rõ là miếng đất đó đã tách riêng quyền sử dụng đất chưa). Xin hỏi: Tài sản được coi là di sản thừa kế bao gồm những gì? Cách phân chia tài sản đó như thế nào?
Gửi bởi: Nguyễn Thị Đài Trang
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Tài sản được coi là di sản thừa kế do bà nội bạn để lại Theo Ðiều 634 Bộ luật Dân sự thì: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Di sản của bà bạn gồm:
- Quyền sử dụng đất và nhà xây dựng trên đất đó;
- Hai cây vàng mà bà bạn đã cho cô Sáu vay.
Vì hai cây vàng này là do bà bạn cho cô Sáu vay chứ không phải là tặng cho nên theo pháp luật dân sự về hợp đồng dân sự thì bên vay có nghĩa vụ trả nợ số vàng đã vay (Điều 474 Bộ luật Dân sự). Khi bà bạn đã mất thì những người thừa kế của bà bạn hoặc người quản lý di sản có quyền: Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (theo khoản 1 Điều 639 Bộ luật Dân sự).
- Phần đất mà chú Chín đang sử dụng: Đối với phần đất này thì có hai khả năng như sau:
+ Khả năng thứ nhất: Nếu bà bạn đã làm thủ tục theo quy định của pháp luật để tách cho chú bạn thì phần đất này không thuộc di sản thừa kế của bà bạn.
Hiện nay, việc chuyển quyền sử dụng đất được quy định như sau: Việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng, và hợp đồng phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 689 Bộ luật Dân sự). Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (tặng cho/chuyển nhượng) có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai). Như vậy, sau khi có hợp đồng chuyển quyền thì chú Chín phải tiến hành thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, Điều 11 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất như sau: Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi là người nhận chuyển quyền) trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của bên chuyển quyền (không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển quyền) thì không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, người nhận chuyển quyền nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 135 hoặc khoản 1 Điều 136 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP.Theo quy định này thì nếu việc chuyển quyền sử dụng đất cho chú Chín thực hiện trước ngày 01/7/2004 và giữa bà nội và chú Chín đã có giấy tờ tặng cho/chuyển nhượng thì chú Chín có thể làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng phần đất đó theo quy định của pháp luật.
+ Khả năng thứ hai: Nếu việc cho chỉ bằng miệng mà không có giấy tờ gì, cũng như không làm thủ tục theo quy định của pháp luật để tách thì phần đất này vẫn còn thuộc sử dụng của bà bạn và được coi là di sản thừa kế.
2. Chia di sản thừa kế * Trước hết là phải xác định người thừa kế.
Vì bà không để lại di chúc nên di sản được chia theo pháp luật, những người hưởng di sản theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự:
“Ðiều 676. Người thừa kế theo pháp luật 1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Đối chiếu với quy định nêu trên và với thông tin bạn cung cấp (bà có 05 người con nhưng một người đã chết) thì những người thừa kế theo pháp luật của bà bạn gồm:
(1) Bốn người con còn sống.
(2) Về một người con (chú Bảy) đã chết thì cần xác định như sau:
- Trường hợp chú Bảy chết trước bà: Quyền thừa kế sẽ xác định theo Điều 677 Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, bốn người con của chú Bảy sẽ được hưởng thừa kế thế vị đối với phần di sản mà chú Bảy được hưởng nếu còn sống.
- Trường hợp chú Bảy chết sau bà: Như vậy, tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm bà nội chết) thì chú Bảy đã có quyền hưởng di sản thừa kế do bà bạn để lại (vì lúc đó chú vẫn còn sống). Nhưng do khi chú còn sống, các thừa kế vẫn chưa tiến hành khai nhận di sản thừa kế của bà nội, và nay chú đã chết thì phần di sản mà chú được hưởng sẽ được chia cho các thừa kế của chú. Các thừa kế có thể được xác định theo di chúc (nếu chú để lại di chúc) hoặc những người thừa kế theo pháp luật tại Điều 676 Bộ luật Dân sự như nêu trên (bao gồm: vợ và bốn con, và người thừa kế khác nếu có).
* Việc phân chia di sản thừa kế như sau:
Nếu các đồng thừa kế nêu trên không có thỏa thuận nào khác thì những người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau (Khoản 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự). Di sản của bà bạn sẽ được chia thành 05 (năm) phần bằng nhau và chia cho:
- 04 (bốn) người con, mỗi người được hưởng 1/5 di sản.
- 1/5 còn lại lẽ ra thuộc về chú Bảy sẽ được xác định như sau:
+ Nếu chú Bảy chết trước bà: Bốn người con của chú Bảy sẽ được hưởng chung 1/5 di sản đó.
+ Nếu chú Bảy chết sau bà: Những người thừa kế theo di chúc của chú Bảy hoặc những người thừa kế theo pháp luật (bao gồm: vợ và bốn con, và người
thừa kế khác nếu có) sẽ được hưởng chung 1/5 di sản đó.
Ý kiến bạn đọc